Hình ảnh: Nghiên cứu nhút Thanh Chương – Món ăn lưu giữ linh hồn Việt số 1

Sản phẩm nhút Thanh Chương

Từ xa xưa, Thanh Chương là huyện nghèo khó của tỉnh Nghệ An. Gió Lào và cát trắng, đất cằn cỗi đầy sỏi đá với công việc làm nông là chính. Để khắc phục cuộc sống thất bát, người dân luộc mít để ăn. Mít luộc chấm với chẹo (một loại nước chấm cũng rất độc đáo của người dân xứ Nghệ được làm từ tương và lạc) trong các bữa ăn. Nhưng do mít chỉ có vào mùa hè trong năm nên người dân đã nghĩ cách muối mặn mít để ăn dần quanh năm gọi là nhút. Từ đó cho đến nay, nhút Thanh Chương được hình thành và đã trở thành món ăn quen thuộc, gắn bó với người dân nơi đây.
Khi thưởng thức món ăn từ nhút, mọi người sẽ cảm nhận được vị cay cay của ớt, vị ngọt bùi của mít, vị mằn mặn của muối và hơn tất thảy là sự thấm đặm tình người được kết đọng từ bao đời trong vất vả nhọc nhằn, chắt chiu thương khó của người dân xứ Nghệ.
Trên thực tế, Nhút Thanh Chương đã có “thương hiệu” từ lâu đời, khiến cho du khách nào đến nơi đây cũng muốn một lần được thưởng thức. Đây cũng là món ăn góp phần thoả lòng nỗi nhớ quê hương của những người con trong mỗi bữa cơm xa xứ. “Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn” là câu phương ngữ lưu truyền đời chính là như vậy. Cho dù cuộc sống thôn quê ở Nghệ An đã có nhiều đổi thay, nhưng nghề làm nhút, làm tương vẫn được lưu truyền lan rộng, không chỉ ở Thanh Chương, Nam Đàn mà còn lan ra các huyện khác trong tỉnh.

Hình ảnh: Nghiên cứu nhút Thanh Chương – Món ăn lưu giữ linh hồn Việt số 2

Giáy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất kinh doanh sản phẩm của HTX

Trải qua sự biến đổi của thời gian, nhút Thanh Chương ngày càng khẳng định được giá trị trong làng nghề truyền thống gắn liền với cuộc sống của người dân Thanh Chương. Nguyên liệu có sẵn, rẻ tiền lại rất sạch, được nhiều người ưa chuộng. Nó không chỉ còn là món ăn dân dã mà đã trở thành món ăn đặc sản, đáng nhớ như một nét văn hoá ẩm thực rất riêng của người dân xứ Nghệ.
Tuy nhiên, trước đây, nhút Thanh Chương chủ yếu là tự cung, tự cấp với các hộ gia đình, làm ăn manh mún nhỏ lẻ nên chưa đáp ứng được nhu cầu, tiêu chí của những người ưa thích. Bởi cơ bản,  “mạnh ai nấy làm” nên đã có phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của nhút truyền thống. Một số sản phẩm bán ra thị trường không thể hiện được nguyên vẹn hồn cốt đặc trưng, gây mất hương vị đặm đà, cay cay lẫn ngọt bùi của nhút. Những sản phẩm đảm bảo chất lượng thường chỉ tập trung ở một số hộ nhút “gia truyền” có uy tín, không thể đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường với những người ưa thích khó tính.
Trước thực trạng ấy, ngày 28/5/2020, Hợp tác xã sản xuất Nhút và đặc sản nông nghiệp Thanh Chương (HTX) ra đời. HTX hướng đến là một tổ chức hợp tác thân thiện cùng mục địch của người dân, có mối liên kết chặt chẽ với các cơ quan khoa học nhằm đảm bảo tính chuẩn mực, có quy tắc, quy chuẩn, quy định chung trong sản xuât, kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm và thị trường. Với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, HTX tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo giữ vững tính truyền thống về hương vị của nhút cũng như các sản phẩm nông nghiệp sạch khác. Trong đó, NHÚT là một trong số các sản phẩm đặc trưng của quê hương xứ Nghệ được Hợp tác xã đặc biệt quan tâm, góp phần quảng bá uy tín và mở rộng thị trường để ngày càng được nhiều người biết đến.

Hình ảnh: Nghiên cứu nhút Thanh Chương – Món ăn lưu giữ linh hồn Việt số 3

Chỉ mới ra đời, nhưng hiện tại các sản phẩm Nhút, măng muối của HTX đã được rất nhiều người dân không chỉ trong tỉnh ưa thích, mà còn đi vào thị trường các tỉnh với số lượng lớn cả đại lý và hàng hóa, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương,… hứa hẹn một tương lai phát triển đúng tôn chỉ đề ra.

Hình ảnh: Nghiên cứu nhút Thanh Chương – Món ăn lưu giữ linh hồn Việt số 4

Cây mít cổ ở Thanh Chương

PV:  Ngô Tuấn