Hình ảnh: Nghiên Cứu Pháp Luật: Cảnh giác các đối tượng giả danh yêu cầu phạt nguội qua điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 1
Ảnh: minh hoạ
Thời gian gần đây, khá nhiều người hoang mang khi nhận được cuộc gọi từ số lạ tự xưng là Cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc Sở Giao Thông Vận Tải (GTVT) thông báo nộp phạt nguội từ các số điện thoại:
(+8783745529;+84996725793;+84384391692;…). Với nội dung cụ thể là:  thông báo anh chị có 01 đơn triệu tập, nếu trong 2 giờ anh chị không giải quyết sẽ bị tước bằng lái xe và khởi kiện anh chị tới tòa án địa phương, bấm phím 9 để biết thêm chi tiết…".
Qua sự việc trên, theo Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Thông tư 65 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện thông qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý (phạt nguội).
Hoặc chủ phương tiện được Công an xã, phường, thị trấn mời tới trụ sở để tiếp nhận thông báo của Cảnh sát giao thông, hoặc khi đi đăng kiểm phương tiện sẽ được cơ quan đăng kiểm thông tin về trường hợp vi phạm và đề nghị tới đơn vị Cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm để xử lý.
Do vậy, khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở đơn vị Cảnh sát giao thông ra thông báo để làm việc.
Hình ảnh: Nghiên Cứu Pháp Luật: Cảnh giác các đối tượng giả danh yêu cầu phạt nguội qua điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 2
Ảnh: nạn nhân đăng lên cộng động mạng
Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông, các đơn vị Cảnh sát giao thông, hoặc đơn vị thuộc Sở Giao Thông Vận tải vẫn khẳng định không gọi điện thoại thông báo vi phạm trật tự an toàn giao thông, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào.
Riêng Sở GTVT TP.HCM cũng khẳng định các số điện thoại trên không thuộc số điện thoại do sở này quản lý sử dụng. Sở đã có công bố số điện thoại phục vụ liên hệ công tác (028) 38.290.451 và số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các thông tin sự cố, hạ tầng giao thông 0388.247.247. 
Vì vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này, cảnh giác với các cuộc gọi thông báo liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông. Không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email) cho kẻ lạ.
Hình thức xử Phạt nguội vi phạm giao thông.
Phạt nguội là hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường, các nút giao thông có ghi nhận được các hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và truyền những thông tin này về trung tâm xử lý. Có thể hiểu phạt nguội vi phạm giao thông là việc xử phạt vi phạm giao thông sau khi người vi phạm đã thực hiện hành vi vi phạm được một thời gian trước đó.
 
Hình ảnh: Nghiên Cứu Pháp Luật: Cảnh giác các đối tượng giả danh yêu cầu phạt nguội qua điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản số 3
Ảnh: minh hoạ
Theo Điều 14 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT, điểm b khoản 1 Điều 25, điểm b khoản 3 Điều 19 Thông tư 65/2020/TT-BCA, xử phạt nguội được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Phát hiện vi phạm
Cảnh sát giao thông (CSGT) ghi hình các xe vi phạm trên đường. Bên cạnh đó, CSGT cũng sẽ phát hiện các xe vi phạm qua hệ thống giám sát tự động (camera và máy đo tốc độ).
Bước 2: Kiểm tra, phân tích, xác định vi phạm
Hình ảnh được chuyển cho bộ phận trích xuất hình ảnh, trích xuất các trường hợp vi phạm. Mỗi trường hợp vi phạm phải đảm bảo đủ 4 yếu tố gồm: địa điểm, thời gian vi phạm, lỗi vi phạm và biển số xe.
Sau đó in hình ảnh vi phạm kèm theo phiếu xác nhận kết quả vi phạm, chuyển cho lực lượng CSGT để làm căn cứ xác định vi phạm và xử phạt.
Việc giao, nhận hình ảnh vi phạm kèm phiếu xác nhận kết quả phải được ghi chép vào sổ theo dõi, ký nhận và lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.
Bước 3. Thông báo cho người điều khiển phương tiện vi phạm
CSGT in thông báo vi phạm thể hiện đầy đủ nội dung vi phạm gửi thông báo đến chủ phương tiện đứng tên trên Giấy chứng nhận đăng ký xe.
Bước 4: Phối hợp với chủ phương tiện giải quyết vụ việc vi phạm
Sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không đến làm việc. CSGT sẽ gửi thông báo đến Công an xã, phường nơi chủ phương tiện cư trú đồng thời phối hợp với cơ quan đăng kiểm để cảnh báo phương tiện vi phạm trên Chương trình quản lý kiểm định.
Khi chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện đến cơ quan CSGT làm việc cần mang theo các loại giấy tờ có liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện. CSGT sẽ cung cấp hình ảnh phương tiện vi phạm.
Bước 5: Cập nhật kết quả xử lý và kết thúc hồ sơ
Sau khi người vi phạm đã giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết; đồng thời, cập nhật thông tin đã xử phạt vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông và phần mềm cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát để kết thúc cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm.
Theo đó, để tránh bị lừa, người dân có thể tự mình kiểm tra phạt nguội một cách đơn giản, dễ dàng. Tham khảo: 4 cách tra cứu phạt nguội nhanh và chuẩn xác nhất.
Hoặc liên hệ trực tiếp đường dây nóng:
Bộ Công an: 069.2342593
Cục Cảnh sát giao thông: 06923.42608/ 0995.67.67.67
Hoặc số điện thoại đường dây nóng các địa phương: 
Hùng Sơn