Theo kết quả nghiên cứu, hệ thống sông trong ao được triển khai xây dựng theo hồ sơ thiết kế, ao xây dựng có diện tích là 5.000 m2, độ sâu đảm bảo mực nước 2,0m, pH = 7-8,5. Hàm lượng ô-xy hòa tan luôn duy trì ở mức 4,5-6,5 mg/lít, lắp đặt 02 máy thổi khí có công suất 2,2 kW/máy và hệ thống phù trợ tăng cường cung cấp ô-xy cho cá. Trong ao xây dựng 02 sông song song, chung tường ngăn giữa. Bên cạnh đó, nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu vận hành hệ thống tạo dòng chảy lưu thông nước, hoạt động 24/24 giờ, đảm bảo tốc độ dòng chảy 0,2-0,4m/s; hệ thống tự động hóa các công đoạn cho ăn, cấp khí và xử lý sự cố; hệ thống thu gom, xử lý chất thải, phân cá; xử lý nước ao bên ngoài sông và thông số tương thích giữa các hệ thống cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt.

Nghiên cứu quy trình nuôi cá bằng công nghệ sông trong ao được thực hiện gồm các bước: Nghiên cứu, lựa chọn chế độ cấp khí, tạo dòng theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cá; nghiên cứu chế độ cho ăn qua các giai đoạn (loại, lượng thức ăn; tần suất cho ăn); đánh giá tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống, hệ số chuyển hóa thức ăn của cá; đánh giá chất lượng môi trường nước toàn hệ thống trong và ngoài sông; đánh giá tình hình bệnh của cá trong hệ thống.

Các nghiên cứu trên là tiền đề để triển khai thực nghiệm mô hình nuôi cá trong 02 hệ thống: Hệ thống 1 - nuôi thương phẩm cá trắm cỏ, hệ thống 2 -  nuôi thương phẩm cá chép. Sau 8,5 tháng nuôi, mô hình nuôi cá trắm cỏ đạt trọng lượng cá trung bình 3,945 kg/con, lợi nhuận 145,119 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận 24,1%. Mô hình nuôi cá chép cho trọng lượng cá trung bình đạt 1,955 kg/con, lợi nhuận 89,183 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận 14,8%. Trong suốt quá trình nuôi, nhóm nghiên cứu thực hiện quản lý tốt môi trường nuôi, phòng trừ dịch bệnh giúp đàn cá khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, màu sắc tươi sáng.

Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, nuôi cá thương phẩm bằng công nghệ sông trong ao cho năng suất cao gấp 1,5-2 lần so với 01 ha ao nuôi theo phương pháp truyền thống và lợi nhuận mang lại cũng cao gấp 1,5-2 lần.

Từ kết quả triển khai thực nghiệm, nhóm nghiên cứu hoàn thiện được mô hình nuôi cá, đồng thời xây dựng được quy trình sử dụng, vận hành, bảo dưỡng và xử lý sự cố hệ thống sông trong ao. Đề tài được được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp thành phố đánh giá là có khả năng áp dụng trong thực tế, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản./.

Theo https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20280/nghien-cuu-xay-dung-mo-hinh-nuoi-ca-bang-cong-nghe-song-trong-ao-tai-hai-phong.aspx