Ảnh minh họa

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam còn non trẻ, đi sau, hạ tầng kỹ thuật vẫn không hiện đại, còn nhiều bất cập, nên số giao dịch tăng cao dễ bị quá tải, nghẽn lệnh như trường hợp của HOSE, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Việc này cần khắc phục bằng giải pháp dài hạn, không chỉ tình thế.

Đồng thời, để bảo đảm công bằng hơn, cần có cơ chế giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư, ví dụ có thể nhà đầu tư được bổ sung huỷ lệnh kịp thời. “Đây không phải là một vài lần, mà tình trạng này đã kéo dài. Trong trường hợp nhà đầu tư bị thiệt hại, có bằng chứng do nghẽn lệnh, phải có cơ chế san sẻ thiệt hại giữa các bên, phải có người chịu trách nhiệm”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Bình luận về các sự cố nghẽn lệnh vừa qua trên hệ thống giao dịch tại HOSE, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, hiện tượng nghẽn lệnh trên hệ thống giao dịch tại HOSE đã xảy ra từ cuối tháng 12/2020. Nguyên nhân chính là do thanh khoản của thị trường tăng trưởng quá nhanh ngoài dự báo. Số lượng lệnh giao dịch trung bình hàng ngày trong tháng 12/2020 tăng khoảng 4 lần so với năm 2019, và tiếp tục tăng rất mạnh trong năm 2021.

Nhiều giải pháp cấp bách đã được Bộ Tài chính, UBCKNN đã chỉ đạo HOSE triển khai, như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HOSE và nhất là cải tiến kỹ thuật… đã giúp hệ thống giao dịch hoạt động tương đối ổn định trong thời gian qua.

Tuy nhiên, cuối tháng 5, đầu tháng 6 này, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tiếp tục tăng đột biến, đã khiến hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn, thậm chí xuất hiện rủi ro lớn đối với hệ thống giao dịch, buộc HOSE phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 để đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống. Đến nay hệ thống đã trở lại hoạt động bình thường và có tiến triển tốt khi HOSE và các thành viên công ty chứng khoán cũng nỗ lực đưa ra giải pháp mới.

Song song công việc đối với hệ thống hiện tại, HOSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với Tập đoàn FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường do  phía Hàn Quốc xây dựng (KRX). Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, bảo đảm đúng tiến độ, lộ trình. Theo báo cáo của HOSE, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới, sự cố nghẽn lệnh sẽ được xử lý tương đối triệt để.

Hạn chế sửa, hủy lệnh trong các khung giờ cao điểm

Trước đó, Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà Chỉ cho hay, chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HOSE đã đạt mức khoảng 22,4 nghìn tỷ đồng/phiên. Đây là con số rất lớn trên HOSE kể từ ngày thành lập và mang tính đột phiên khi so sánh với thời gian gần đây. Cụ thể, tháng 12/2020  giá trị giao dịch bình quân phiên là 12,7 nghìn tỷ đồng/phiên; từ tháng 1-4/2021 con số này là 16,6 nghìn tỷ đồng/phiên. Phiên sáng 1/6, giá trị giao dịch trên HOSE đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay.

Để khắc phục tình trạng nghẽn lệnh trước mắt, chiều 10/6, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE vừa ký văn bản gửi tất cả các công ty chứng khoán thành viên về việc kiểm soát lỗi 2G (các lỗi kỹ thuật vi phạm quy định giao dịch) và quản lý việc sửa, hủy lệnh.

Theo văn bản này, được sự chấp thuận của UBCKNN, để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch, HOSE lưu ý các công ty chứng khoán thành viên hai vấn đề.

Thứ nhất, các công ty chứng khoán kiểm soát lỗi 2G, tránh gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống chung của hệ thống giao dịch của HOSE.

Thứ hai, các công ty chứng khoán quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ sau để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch: Từ 9h15-9h25, từ 11h15-13h10 và từ 14h20- 14h30 các ngày giao dịch.

Như vậy, đây là giải pháp “nới lỏng” hơn so với việc một số phiên gần đây các công ty chứng khoán áp dụng biện pháp tạm ngừng hủy, sửa lệnh trong toàn phiên giao dịch.

Điều này cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của 20 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất trong cuộc họp với UBCKNN và HOSE.

“Trong giai đoạn này phải ưu tiên giữ thị trường hoạt động liên tục hết phiên không bị dừng hoạt động. Các công ty chứng khoán cần phối hợp với cơ quan quản lý và HOSE để cùng giữ an toàn chung của hệ thống, nhưng tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư giao dịch”, đại diện UBCKNN cho hay.

Lãnh đạo UBCKNN cũng khẳng định, Bộ Tài chính, UBCKNN đang tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, đồng thời phải đưa bằng được hệ thống do FPT xây dựng vào sử dụng vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE.

Trước đó, chỉ trong cuối giờ sáng ngày 9/6, địa chỉ trụ sở của HOSE trên Google Map đã bị hơn 1.500 lượt đánh giá 1 sao, hạ mức điểm trung bình còn 1,1, chủ yếu đánh giá đến từ những nhà đầu tư cá nhân trên một diễn đàn về chứng khoán. Theo các chuyên gia, những giải pháp tạm thời, như chặn hủy/sửa lệnh trong những khung giờ nhất định, chỉ mang tính tình thế. Trên thế giới, sàn chứng khoán nếu có bị nghẽn lệnh nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn chứ không để lặp lại kéo dài vài tháng như ở Việt Nam. 

 Anh Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Nha-dau-tu-buc-xuc-Uy-ban-Chung-khoan-cam-ket-khac-phuc-nghen-lenh-trong-thang-7/434328.vgp