Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước 8 tháng đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 8, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước giảm 7,1% so với tháng 7/2021, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giãn cách xã hội ở nhiều địa phương nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng và đặt ra nhiều thách thức cho việc thực hiện các dự án đầu tư công. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phân tích rõ những yếu tố đặc biệt của năm 2021 tác động đến giải ngân, đồng thời bàn luận về giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công. 

Thưa Thứ trưởng, nguyên nhân nào khiến cho giải ngân vốn đầu tư công năm nay đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, dù cả 2 năm đều có dịch bệnh, thậm chí năm ngoái diễn biến bất ngờ hơn, còn năm nay chúng ta có cả 1 năm để chủ động và phân tích tình hình? 

Ông Trần Quốc Phương: Năm nay có yếu tố mới. Đầu tư công là hoạt động kinh tế phụ thuộc vào vấn đề vận chuyển các nguyên vật liệu, thiết bị để triển khai thi công, do vậy, bị ảnh hưởng trong bối cảnh giãn cách. Đối với những địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vấn đề này thể hiện rõ nhất.

Đối tượng làm việc trong các dự án đầu tư công, điển hình là các công nhân, chuyên gia, tư vấn cũng phải thực hiện chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh. Tỉ lệ các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều hơn so với năm 2020, phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. Vì lẽ đó, việc triển khai thi công các công trình, nhất là ở các địa bàn có dịch gặp khó khăn. Công nhân phải về nhà, một số công trình triển khai “3 tại chỗ” nhưng nguyên liệu đầu vào để thi công có nhiều vướng mắc.

Một yếu tố khác biệt nữa của năm nay so với năm 2020 là sự tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho thi công. Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, đặc biệt là tâm lý của nhà thầu khi các hợp đồng đã ký. Việc tăng giá khiến nhà thầu khó tìm nguồn cung về nguyên liệu hoặc ảnh hưởng đến phương án tài chính khi triển khai dự án.

Thêm vào đó, yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là sự phân tán về lực lượng cũng như thời gian, vật chất trong công tác chỉ đạo điều hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất chia sẻ với lãnh đạo các địa phương, nhất là các địa phương có dịch, gần như việc ưu tiên cả về thời gian và nguồn lực con người, nguồn lực vật chất dành cho công tác chống dịch. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công. Bộ mong muốn trong bối cảnh khó khăn nhưng các địa phương cũng không quá sao nhãng, vẫn cần có phương án phù hợp cũng như sự quan tâm nhất định đối với việc thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Về thời điểm cũng có sự khác biệt, quý III/2021 là quý bị ảnh hưởng nhất, trong khi quý III/2020 lại là quý phục hồi sau quý II/2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy khi so sánh, các số liệu cũng như các kết quả cũng có sự chênh lệch khá lớn về thời điểm. 

Năm 2020 đã khắc phục được tình trạng giải ngân vốn đầu tư công dồn vào cuối năm. Liệu rằng dưới tác động của dịch bệnh, năm 2021 tình trạng này có lặp lại không thưa Thứ trưởng?  

Ông Trần Quốc Phương: Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công dồn vào cuối năm đã tồn tại rất lâu. Qua phân tích của các chuyên gia, xu thế này gần như đã thành quy luật khó tránh khỏi. Nhưng năm 2020 là năm rất đặc thù, đặc biệt là đối với công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Đây là năm cuối cùng của kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên tâm lý chung của chủ đầu tư, nhà thầu đều mong muốn kết thúc kỳ kế hoạch thành công, trước khi bước sang một chu kỳ kế hoạch mới. Do vậy, năm 2020 có đặc thù về mặt thời điểm, các tháng đầu năm có tỉ lệ giải ngân đạt khá cao so với các năm trước đó.

Năm 2021 là năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch, đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới, những tháng đầu năm 2021 chủ yếu là thực hiện các bước chuyển tiếp của giai đoạn trước. Hầu hết đối với các dự án mới của giai đoạn 2021-2025, những tháng đầu năm chưa thực hiện được mà phải chờ Quốc hội phê duyệt kế hoạch trung hạn 2021-2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều dự án dự kiến sắp tới khởi công, đấu thầu tạo điều kiện để giải phóng lượng vốn hơn 70 nghìn tỷ. 

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thời gian còn lại của năm không còn nhiều, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất hay hướng giải quyết như thế nào cho giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm?

Ông Trần Quốc Phương: Trong bối cảnh thời gian quá ít, khối lượng công việc quá nhiều, đây là một vấn đề hết sức thách thức và khó. Với vai trò là cơ quan tham mưu mang tính vĩ mô, Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc về vĩ mô. Chẳng hạn như khó khăn về giải phóng mặt bằng, Tổ nghiên cứu đã được thành lập để tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Nhưng việc này rất khó triển khai năm nay vì phải nghiên cứu, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật.

Tiếp theo, điều chỉnh các dự án đang triển khai cũng mất nhiều thời gian do nhiều thủ tục, đặc biệt đối với dự án ODA. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo mới về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trong đó giảm nhiều thủ tục hành chính đối với dự án ODA. Tôi hy vọng sự thay đổi, điều chỉnh sẽ tác động vào giải ngân vốn các tháng cuối năm vào đầu 2022. Tuy nhiên, để có giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy giải ngân đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vào các bộ, ngành địa, phương trong công tác chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay.

Bộ rất chia sẻ, thấu hiểu với các địa phương, nhất là các địa phương bị tác động bởi dịch COVID-19 và mong các địa phương tuỳ điều kiện cụ thể của mỗi nơi để thúc đẩy ngay vấn đề giải ngân. Địa phương nào ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần cố gắng hoàn thành, không để chậm trễ. 

Việc ưu tiên cho dự án trọng điểm đang được tập trung thực hiện như thế nào và quan điểm dồn lực cho dự án lớn sẽ được triển khai ra sao trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Ông Trần Quốc Phương: Hiện nay, các dự án lớn như Đường cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1, các công trình hạ tầng quy mô lớn của ngành giao thông, nông nghiệp hay các lĩnh vực khác cơ bản không lo thiếu vốn mà chủ yếu là chúng ta có triển khai và làm được hay không. Qua rà soát thông tin số liệu, các bộ có dự án lớn như: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an… hay các địa phương có nguồn vốn đầu tư lớn thì phần giải ngân đã được thực hiện khá tốt, đỡ cho kết quả chung của cả nước. Về cơ bản, các dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia mặc dù gặp một số khó khăn nhưng vẫn đang triển khai và đạt kết quả tích cực.

Một số nơi vẫn giải ngân thấp, thậm chí có nơi chưa giải ngân, chủ yếu là ở các đơn vị có ít công trình, quy mô nhỏ. Dù vậy, tôi mong muốn các đơn vị này cũng phải đẩy nhanh tiến độ.

Tôi cho rằng sự quan tâm lãnh đạo đối với công tác giải ngân vốn đầu tư là rất quan trọng, bất kể là dự án có quy mô lớn hay nhỏ. Ngoài ra, điều khó ở đây là mức độ và chất lượng của lực lượng tham gia vào dự án đầu tư công. Nếu như một đồng chí lãnh đạo chỉ đạo rất sát sao mà năng lực cấp thực hiện không được tốt thì cũng gây chậm trễ cho các dự án.

Thêm vào đó là tính chuyên nghiệp, chuyên môn trong công tác quản lý dự án. Như chúng ta biết, hiện nay các đơn vị tiêu thụ ngân sách chủ yếu dùng bộ phận kiêm nhiệm của chính cơ quan mình để thực hiện quản lý dự án nên phần nào cũng ảnh hưởng năng lực của Ban quản lý dự án. Nếu thuê lực lượng bên ngoài thì kinh phí đắt và thường được áp dụng với các dự án có quy mô lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ, hướng dẫn tuy nhiên chỉ mới về quy trình, thủ tục, các quy định pháp lý, còn về kỹ thuật, kỹ năng của cán bộ quản lý tuỳ thuộc vào việc sử dụng cán bộ, năng lực của đơn vị.

Ngày 30/9 tới đây, Bộ sẽ có báo cáo tổng thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân, đồng thời thông báo với các bộ, ngành, địa phương. Nếu bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bổ sung thêm vốn, Bộ sẽ tổng hợp trên cơ sở các đơn vị không có nhu cầu, xin hoặc bị giảm kế hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển vốn từ giữa các đơn vị. Năm nay, việc điều chỉnh này phải báo cáo Thường vụ Quốc hội. Điều chuyển vốn đầu tư công phải được cân nhắc trong thực tiễn để có thể triển khai hài hòa, kịp thời.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Ngọc

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nhieu-yeu-to-moi-tac-dong-den-giai-ngan-von-dau-tu-cong/444634.vgp