Anh Hoàng Ngọc Nam (bên trái) tại gia đình, tháng 10/2021 

Câu chuyện xảy ra vào cuối năm 1996. Khi ấy, đảng viên trẻ Hoàng Ngọc Nam vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Từ quê hương xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, anh đưa vợ con vào nông trường cà phê Đắk Uy 2, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum lập nghiệp. Trên quê hương mới, vợ chồng anh nhận khoán 3 héc-ta cà phê của nông trường. Với mức khoán được nông trường đưa ra khi ấy là mỗi héc-ta phải đạt sản lượng 3 tấn cà phê tươi; 3 héc-ta là 9 tấn/1 vụ sản xuất. Tuy mới vào làm công nhân cà phê nhưng do anh là đảng viên nên được chi bộ giao trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc thu hoạch cà phê của công nhân phải bảo đảm đúng quy trình, chất lượng sản phẩm. Việc thì khá nhiều mà thời gian thu hoạch, nông trường quy định trong thời gian một tháng là phải xong nên anh phải thuê người hái cà phê cho gia đình.

Một tình huống không ngờ đã xảy ra. Đó là vì lợi nhuận, người làm thuê hái cà phê cho gia đình anh Nam đã bỏ thêm đất vào giữa của 4 bao cà phê với mục đích là cho nặng thêm thì người làm thuê được lợi (thuê hái cà phê tính theo kg, ví dụ, hái được 1 kg thì tiền công được 1.000 đồng khi ấy). Đến khi giao nộp sản lượng, 4 bao cà phê của gia đình anh Nam đã bị nông trường phát hiện có bỏ thêm đất ở giữa bao và bị lập biên bản vi phạm. Số đất nhét thêm nằm trong 4 bao cà phê nói trên cân được là trên 20 kg.

Do có mâu thuẫn cá nhân từ trước với một người trong Ban Giám đốc nông trường, chi bộ đội sản xuất nơi anh Hoàng Ngọc Nam sinh hoạt đã làm văn bản buộc anh Nam vi phạm và đề nghị lên Đảng ủy nông trường xem xét kỷ luật. Đảng ủy nông trường cà phê Đắk Uy 2 đã ra Nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xử lý. Sau đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà ra Quyết định xóa tên đảng viên Hoàng Ngọc Nam ra khỏi Đảng. Đó là cuối năm 1996.

Với bản lĩnh của một người lính đã được tôi luyện trong quân ngũ, Hoàng Ngọc Nam hiểu rõ bản chất của vấn đề. Theo anh: Thứ nhất, nếu đúng sự việc đó mà anh trực tiếp gây nên thì vi phạm đó cũng chưa đến mức xóa tên anh ra khỏi Đảng. Thứ hai, thực chất việc làm đó là do người làm thuê gây nên mà anh không hề biết, mà người làm thuê đó cũng đã nhận việc của mình làm. Anh đã làm đơn gửi Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị xem xét lại nhưng khá lâu chưa có hồi âm.

Nhận thấy sự việc kéo dài hoặc có thể không được giải quyết, Hoàng Ngọc Nam quyết định ra Hà Nội trình bày với Trung ương. Anh mạnh dạn vào thẳng Ủy ban Kiểm tra Trung ương ở ngõ Nguyễn Cảnh Chân, quận Ba Đình (khi ấy là giữa năm 1997) và đưa đơn. Người nhận đơn xem qua hồ sơ rồi nói ngay với anh: “Nếu sự việc đúng như thế này thì anh đã bị oan” và động viên anh trở về nhà, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ sớm xem xét, giải quyết.

Gia đình anh Hoàng Ngọc Nam khi ấy rất nghèo. Hai vợ chồng đều làm nông, đứa con gái thì còn quá nhỏ. Anh phải bán con lợn nái là tài sản lớn nhất của gia đình khi ấy để xoay xở vé xe, chi phí ra Hà Nội. Nghe cán bộ ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương động viên, anh trở về Tây Nguyên với hy vọng và niềm tin mãnh liệt vào Đảng. Và anh không ngờ rằng trong thời gian chỉ khoảng hơn một tháng sau, tính từ ngày anh gặp được cán bộ ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Hoàng Ngọc Nam đã nhận được Quyết định của Tỉnh ủy Kon Tum phục hồi đảng tịch cho anh.

Hiện nay, gia đình anh Nam sinh sống ở tổ dân phố 2, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Cuối năm 2021, anh Nam sẽ được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Dù phải trải qua biến cố trong cuộc đời nhưng đến hôm nay, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, anh Nam vẫn thường nói rằng: “Nhờ vào Đảng mà tôi được minh oan” và luôn tin tưởng vào sự anh minh, sáng suốt của Đảng. Theo anh, dù trong số ít cán bộ, đảng viên vì lý do cá nhân nào đó đã cố ý làm sai những quy định của Đảng nhưng tập thể Đảng ta vẫn luôn công tâm, khách quan, vì lợi ích của đất nước, lợi ích của Đảng, trong đó có lợi ích của mỗi đảng viên luôn được Đảng quan tâm, bảo vệ./.

Bài, ảnh: Nguyễn Chiến
Theo https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nho-dang-toi-duoc-minh-oan-593986.html