Hình ảnh: Những người lặng thầm sau cơn bão số 1
Sau cơn bão, những công nhân công ty môi trường đô thị lại tất bật với việc dọn dẹp
Nỗi lo sau bão
 
Vừa nhặt đống cành cây vương lẫn rác thải chất lên chiếc xe thùng chở rác, chị Đỗ Minh Nguyệt (công nhân môi trường của Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng) vừa thở hổn hển. Gần 3 tiếng đồng hồ, chị vẫn chưa dọn được 500m đường vì số lượng cây cành gẫy đổ và rác rưởi sau trận bão số 4 Noru. Phủi nhẹ vết bùn bám trên tay áo trong cơn mưa nhỏ sau bão, chị Nguyệt ngậm ngùi: “Công việc của công nhân vệ sinh môi trường nhìn vào rất đơn giản nhưng ẩn sau đó là sự nhọc nhằn với trăm nỗi khó khăn không phải ai cũng hiểu. Nhất là sau mỗi lần bão gió hay những sự kiện đường phố thì quả thực mỗi người công nhân phải dồn sức gấp nhiều lần để làm việc”.
 
Từ ngày 28/9 khi cơn bão Noru đi qua, gần 2.000 công nhân thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị thành phố Đà Nẵng và Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh tại Đà Nẵng, Công ty công viên - cây xanh Đà Nẵng đều ra quân dọn vệ sinh môi trường thu gom cây ngã đổ trên đường phố. Do ảnh hưởng bão số 4 nên lượng rác, cây xanh ngã đổ trên các tuyến phố rất nhiều, các đơn vị đều huy động lực lượng tập trung thu dọn cây xanh nhằm đảm bảo giao thông đi lại.
 
Anh Phúc, một công nhân của Công ty công viên - cây xanh Đà Nẵng chia sẻ: “Trước bão số lượng lớn cây xanh đã được cắt tỉa để đảm bảo an toàn mùa mưa bão. Tuy nhiên số lượng cây xanh trong thành phố rất lớn nên vẫn còn nhiều cây chưa được cắt tỉa dẫn tới bật gốc, gãy cành. Sau bão, gần như tất cả cán bộ công nhân viên đều ra quân để thu dọn. Rất may các đơn vị Công an, Quân đội đã tổ chức lực lượng cùng hỗ trợ để giải phóng nhanh các con đường nhằm đảm bảo giao thông sông suốt!”. Ngày cũng như đêm, những chiếc xe thu gom rác, xe cắt tỉa cây xanh đều hoạt động hết công suất. Những nam công nhân với cưa máy cầm tay, với những chiếc xe tải đầy ắp những cây cành gãy đổ do bão được vận chuyển tới nơi tập kết. Phần còn lại là công việc của những người lao công quét rác.
 
Bình thường, công việc của những người lao công như chị Nguyệt không chỉ quét rác, mà còn thu gom rác vào thùng để nửa đêm về sáng xe rác đi qua sẽ thu gom. Công việc thường nhật ấy đã thành thói quen, và đều được chị cũng như những đồng nghiệp khác hoàn thành. Nhưng những ngày sau bão, lượng lá cây và rác vương vãi nhiều hơn, mặt đường lại ướt nước mưa nên việc dọn rác càng khó khăn hơn gấp bội. Dụng cụ của các chị chỉ cần một cây chổi, một xe đẩy và một cây xẻng là đủ để hoàn thành công việc. Những bão đi qua để lại những nhọc nhằn ít người biết. Những nhát chổi miết xuống lòng đường cần nhiều sức hơn vì nặng, vì cây lá ướt đẫm nước. Những cánh tay nhanh mỏi hơn vì dùng nhiều sức và làm việc trong thời gian dài khiến người lao công mệt nhoài. “Công việc này, nếu làm cẩu thả sẽ không nhìn được”, một nữ lao công nói thế khi nhìn đoạn đường chị vừa dọn dẹp xong trong buổi tối mưa sau bão.
Hình ảnh: Những người lặng thầm sau cơn bão số 2
Sau bão, những công nhân vệ sinh môi trường thường tăng ca để đường phố thêm sạch đẹp
Làm đẹp thành phố
 
Vệ sinh đường phố là một nghề công ích nặng nhọc. Đêm, họ vẫn lặng lẽ làm công việc của mình. Có chăng khác với ngày thường là chiếc khẩu trang dầy hơn, khiến hơi thở nặng nề hơn những ngày sau bão. Chị Nguyệt, chị Tấn cũng như nhiều người khác đến với nghề này là do cái duyên và do ý thức của mình với cộng đồng nên họ hết lòng tận tụy trong công việc, không quản ngại khó khăn. Mặc dù là nghề được đánh giá có mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm cao đến sức khỏe nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc hằng ngày, dù thu nhập cũng không cao so với mặt bằng chung.
 
Trong đêm phố biển Đà Nẵng sau ngày bão, những ánh đèn đường vàng vọt hắt bóng chị đổ dài trên mặt đường đầy lá và rác. Có những con đường vắng lặng chỉ xao xác tiếng gió và tiếng chổi tre cùng bóng người nhỏ nhoi như lạc giữa không gian đêm vô tận. Trong đêm nồng nàn hơi biển, những người lao công nhỏ bé bỗng trở nên đẹp lạ thường. 
Hình ảnh: Những người lặng thầm sau cơn bão số 3
Sau bão, những người công nhân vệ sinh vất vả hơn
Nhiều hôm rác nhiều quét mãi không hết, dù đã đến giờ tan ca, người công nhân vẫn miệt mài quét, ca làm 8 tiếng nhưng thường công nhân phải làm đến mười mấy tiếng mới xong. Như các chị bảo công việc này không dành cho người vô tâm. Bởi lẽ, để gắn bó được với nghề thì không thể chỉ biết đến miếng cơm manh áo mà phải thực sự nhận thức được ý nghĩa công việc mình mang lại, nên những người công nhân môi trường thường rất tận tâm và có trách nhiệm cao trong việc làm sạch đẹp thành phố.
 
Những nữ lao công đều bộc bạch, rằng làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác lại tràn ngập đường phố. Thế nên, dù trời có lạnh giá hay giữa mùa nắng lửa, hay lúc mưa to gió lớn thì những chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt một cách chậm rãi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua không còn rác bẩn. Rồi khi đêm xuống, trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, tiếng chổi tre của các chị lại vang lên giữa không gian. Những chiếc xe đầy ăm ắp rác lại được đẩy đi trên đường theo tiếng chổi tre. Với những người lao công, việc dọn dẹp phố phường sạch đẹp không chỉ là miếng cơm manh áo, là thu nhập hàng tháng, mà họ còn ấp ủ về ý thức môi trường trong mỗi người. Hóa ra chiếc xe ấy đang chở biết bao số phận con người, trong đó có cả những ước mơ, hoài bão thật giản dị…
 
Sau ngày bão, giữa những ngổn ngang vẫn vang lên tiếng chổi xé màn đêm với bao chuyện đời đáng ngẫm như thế. Và khi bình minh lên, nhiều người sẽ vui hơn khi đường phố không còn tàn tích của cơn bão vừa qua.
 
Tiêu Dao
Nguồn tin: https://baodantoc.vn/nhung-nguoi-lang-tham-sau-con-bao-1664505062541.htm