Từ thực tiễn hiện nay có thể thấy, hầu như toàn bộ các công trình, dự án ở các địa phương khi thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) đều có những khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường; nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân trong việc thực hiện chủ trương thu hồi đất và chính sách bồi thường, GPMB chưa cao đã ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội...

Nhận thức rõ việc này, những năm qua Huyện ủy Bảo Yên luôn sâu sát, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn. Theo đó Huyện ủy đã thành lập Tổ giám sát, với thành viên chủ chốt là Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể, một số cơ quan chuyên môn... do đồng chí Phó Bí thư cấp ủy trực tiếp làm Tổ trưởng. Tổ giám sát sẽ phát huy vai trò và vận dụng sáng tạo công tác dận vận trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia tháo gỡ khó khăn một số lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ lĩnh vực GPMB các công trình xây dựng cơ bản.

Đồng chí Nguyễn Xuân Nhẫn (áo tối màu gần cửa), Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Yên, Tổ trưởng Tổ giám sát thường xuyên xuống cơ sở vận động, tuyên truyền đền bù, GPMB. 

Để triển khai nhiệm vụ có hiệu quả, chính quyền huyện Bảo Yên cũng tập trung chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Đôn đốc các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực gặp gỡ, đối thoại, kịp thời lắng nghe, giải đáp các ý kiến, thắc mắc của người dân, nhất là các hộ có đất bị thu hồi phục vụ dự án. Thông qua công tác dân vận, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phổ biến và thực hiện đầy đủ chế độ chính sách áp dụng tại địa phương khi Nhà nước thu hồi đất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Cùng với công tác tuyên truyền, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện được phân công phụ trách các địa phương trong vùng dự án thường xuyên theo dõi, trực tiếp đến địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo việc tổ chức triển khai công tác GPMB, trực tiếp xuống từng thôn, bản để thuyết phục, vận động người dân chấp hành chế độ chính sách trong bồi thường, GPMB. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vận động, thuyết phục cán bộ, hội viên và người dân hiểu, đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác GPMB hay giám sát khi thực hiện các quy định của pháp luật về công tác GPMB.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy hiệu quả vai trò của công tác dân vận, năm 2020, toàn huyện Bảo Yên đã triển khai thành công 46 công trình, dự án; bồi thường hỗ trợ tái định cư 75,2/83,6 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch với tổng diện tích đất thu hồi trong năm là 64,9 ha.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, địa phương đang triển khai tổng số 37 công trình, dự án với tổng kinh phí chi trả bồi thường là 91,8/96,0 tỷ đồng, đạt 95,6% kết hoạch với tổng diện tích đất thu hồi 52,7 ha.

Đồng chí Lý Thị Bầu, Trưởng ban Dân vận huyện ủy Bảo Yên cho biết: Thời gian qua trên địa bàn có rất nhiều công trình xây dựng cơ bản cần phải sử dụng đất, trong khi công tác GPMB đặc thù rất khó khăn phức tạp, dễ phát sinh khiếu kiện. Song nhờ vận dụng hiệu quả công tác dân vận thông qua Tổ hỗ trợ đã giúp Bảo Yên GPMB thành công một số dự án lớn như: Đường ODA từ Lào Cai đi Lang Thíp (Văn Yên, Yên Bái), Dự án Khu tái định cư Cảng hàng không Cam Cọn, Dự án chỉnh trang đô thị Thị trấn Phố Ràng…

Diện mạo các khu đô thị Thị trấn Phố Ràng ngày càng trở nên khang trang hơn là nhờ phần lớn của công tác dân vận trong bồi thường, GPMB. 

Có một điểm chung, khi giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù của Nhà nước khiến việc vận động gặp nhiều khó khăn. Một số trường hợp còn bị tác động bởi sự xúi giục của người ngoài nên không hợp tác với chính quyền và những người làm công tác dân vận. Hiểu được tâm lý “tiếc của” của người dân khi đất đai của gia đình ở mặt đường hoặc thổ cư muốn Nhà nước áp giá đền bù cao, Tổ giám sát đã vào cuộc tuyên truyền, vận động với bí quyết “thường xuyên – liên tục – kiên trì”, đa số người dân đã hiểu, đồng thuận, không suy tính thiệt hơn sẵn sàng chấp hành và ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bà Bùi Thị Tươi, nhà nằm trên trục đường Dự án ODA tỉnh Lào Cai – Lang Thíp, thuộc xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên cho biết: “Mới đầu do chưa hiểu rõ về chính sách đền bù của Nhà nước và lợi ích khi có dự án đường giao thông được mở mang nên gia đình tôi còn nhiều băn khoăn, sau được các cán bộ trong Tổ giám sát Huyện ủy trực tiếp xuống giải thích, gia đình đã “thông” tư tưởng và sẵn sàng hợp tác…”

Được biết, khi triển khai Dự án đường ODA Lào Cai – Lang Thíp, hộ bà Tươi là nút thắt duy nhất của đoạn đường dài 15km, sau đó Tổ giám sát với thành phần chính là cán bộ dân vận, hội phụ nữ, Cựu chiến binh đã xuống làm việc. Sau thời gian tuyên truyền vận động tích cực, giải thích thấu đáo mọi vướng mắc, hộ bà Tươi đã vui vẻ hợp tác; không những vậy, hàng chục hộ ở các gói dự án kế tiếp cũng theo gương bà Tươi tự nguyện đồng thuận.

Đồng chí Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Yên chia sẻ: Với việc Tổ giám sát hoạt động có chân rết xuống từng thôn bản, chúng tôi đã phát huy tối đa vai trò và vận dụng sáng tạo công tác dân vận vào lĩnh vực bồi thường, GPMT, nhằm hỗ trợ đắc lực cho các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo đồng chí Nhẫn, GPMB là công việc rất khó khăn, do vậy muốn làm thành công mỗi cán bộ phải là những người am hiểu pháp luật, thường xuyên, kiên trì qua lại gần dân, nắm tâm tư nguyện vọng của dân nhất là những hộ dân tư tưởng chưa thông bằng cách tiếp cận của cơ quan dân vận chứ không phải cơ quan Nhà nước. Khi cần, sẵn sàng đứng về phía họ, lắng nghe họ nói, tháo gỡ từng việc trên nguyên tắc "dễ làm trước, khó làm sau" một cách công khai, minh bạch, dân chủ; cần tìm hiểu về đối tượng vận động để sắp xếp cán bộ Tổ giám sát sao cho phù hợp như Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, người cao tuổi…Còn với trường hợp nhận thức còn hạn chế, cần tranh thủ mối quan hệ anh họ hàng, bạn bè thân thiết để giúp sức vận động.

“Chúng ta làm sao phải truyền đạt ‘có lý có tình’ một cách chân thành vào tư tưởng người dân việc hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ được tái định cư, được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, đồng thời ‘thổi’ vào họ khát vọng thay đổi cuộc sống bằng ngành nghề mới phù hợp, cải thiện thu nhập chứ không chỉ trông vào mảnh đất để sống, thì không có cái lý gì người dân không đồng thuận” – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Yên chia sẻ thêm../.

Bài, ảnh: Kim Chiến
Theo https://dangcongsan.vn/xa-hoi/phat-huy-vai-tro-cong-tac-dan-van-trong-giai-phong-mat-bang-591149.html