Đó là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” diễn ra ngày 27/10, tại Hà Nội. Hội thảo do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Phòng chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổ chức Help Age International tại Việt Nam (HAI) phối hợp tổ chức.

Hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đồng thời thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện nội dung này tốt hơn trong thời gian tới.

 Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (Ảnh: B.T)

Theo thông tin tại Hội thảo, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, và đồng thời cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tỉ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên trong tổng dân số tăng nhanh từ 8,68% (7,45 triệu) năm 2009 lên 12,8% (12,6 triệu người) năm 2021 và dự báo sẽ đạt gần 17% (17,9 triệu) năm 2030. Năm 2038 sẽ có 20% dân số (22,29 triệu) là người cao tuổi, nghĩa là 5 người thì sẽ có 1 người là người cao tuổi.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới (72 tuổi). Năm 2036, Việt Nam được dự báo sẽ bước vào giai đoạn dân số già và cũng năm 2036, số người cao tuổi trên 60 tuổi sẽ nhiều hơn số trẻ em dưới 15 tuổi. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2019 phần lớn (58,5%) người cao tuổi thuộc nhóm người cao tuổi trẻ hay còn gọi là nhóm sơ lão (dưới 70 tuổi), và tỉ lệ này vẫn chiếm gần 57% vào năm 2029.

Theo bà Trần Bích Thủy - Giám đốc tổ chức HAI, thực tế trên đặt ra 2 vấn đề đối với công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đó là làm thế nào để phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi – một lực lượng tại chỗ ngày càng tăng, nhất là khi phần lớn người cao tuổi đang thuộc độ tuổi trẻ, có sức khỏe, có kinh nghiệm, kỹ năng, uy tín, tiếng nói với cộng đồng. Thứ nữa, làm thế nào để đảm bảo các nhu cầu đặc thù, giảm các yếu tố rủi ro hay tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi liên quan đến sức khỏe, an sinh thu nhập,…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe những bài tham luận về khái niệm, cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc đưa người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, các vấn đề đặt ra, và thực hành tốt đã được thực hiện tại một số địa phương. Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận nhóm với chủ đề “Cần làm gì để đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.”

Các đại biểu cho rằng, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về người cao tuổi, về sự cần thiết đưa nội dung người cao tuổi vào phòng chống thiên tai nói chung và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách và tổ chức thực hiện chính sách về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để đảm bảo phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi. Mặt khác, hỗ trợ, chăm sóc phù hợp với nhu cầu đặc thù và tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi. Xây dựng, cập nhật, thu thập và sử dụng thường xuyên cơ sở dữ liệu có phân tách theo độ tuổi, giới tính,…trong phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, cần có sự tăng cường điều phối, phối  hợp  giữa các cơ quan, tổ chức liên  quan nhằm thúc đẩy lồng ghép nội dung hòa nhập người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đặc biệt, cần rà soát, củng cố và kiện toàn các bộ máy làm việc về phòng chống thiên tai các cấp đảm bảo có đại diện của người cao tuổi tham gia, với vai trò, nhiệm vụ phù hợp. Cụ thể, có đại diện Hội Người cao tuổi tham gia Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhóm hỗ trợ kỹ thuật các cấp; Đội xung kích phòng, chống thiên tai… Các tổ chức thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên...nên mời người cao tuổi tham gia vào các hoạt động phù hợp, như: tập huấn, diễn tập, tuyên truyền; chú ý đến người cao tuổi và nhu cầu đặc thù của người cao tuổi khi thực hiện hoạt động cứu trợ khẩn cấp,…/.

BT
Theo https://dangcongsan.vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-cua-nguoi-cao-tuoi-trong-phong-chong-thien-tai-622982.html