Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Trần Văn Tùng, lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Tổng cục thuế Bộ Tài chính, đại diện của hơn 20 Sở Khoa học và Công nghệ cùng với sự tham gia của 60 DNKHCN; đại diện của Hiệp hội DNKHCN, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở ươm tạo và các cơ quan truyền thông báo chí.
 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng khai mạc hội thảo
 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên trình bày về: tình hình phát triển DNKHCN trên toàn quốc; việc triển khai chính sách ưu đãi thuế đối với DNKHCN; kinh nghiệm phát triển của DNKHCN điển hình và giải pháp vượt qua thách thức do dịch bệnh COVID-19; giải pháp thúc đẩy hoạt động của cơ sở ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển theo mô hình DNKHCN.
 

Ông Đào Quang Thủy, Trưởng phòng Ươm tạo và phát triển DNKHCN, Cục Phát triển thị trường và DNKHCN trình bày Báo cáo tình hình phát triển DNKHCN năm 2020
 

Căn cứ báo cáo của các Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến tháng 11/2020, cả nước đã có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN. Sau khi Nghị định số 13/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN có xu hướng gia tăng nhanh, đặc biệt ở các thành phố như Hồ Chí Minh, Hà Nội là những địa phương chú trọng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, giới thiệu chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nhìn chung thì số lượng DNKHCN được cấp mới năm 2020 có giảm so với năm 2019 do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid19.

Về tình hình hoạt động của DNKHCN: căn cứ báo cáo của 235 doanh nghiệp cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019:

- DNKHCN tạo việc làm cho 31.264 người lao động.

- Tổng doanh thu của  235 doanh nghiệp năm 2019 đạt: 147.170,5 tỷ đồng. Trong đó, có 217 doanh nghiệp có doanh thu từ sản phẩm KH&CN với tổng: 24.123,1 tỷ đồng (chiếm 16,3% tổng doanh thu).

Năm 2019, GDP theo giá hiện hành của Việt Nam đạt 6294000 tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu của 235 DNKHCN đạt 2,39 % GDP cả nước.

- 198 doanh nghiệp có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt: 5.268,5 tỷ đồng.

Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của sản phẩm KH&CN đạt: 1.343,9 tỷ đồng/183 doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng: 56 doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp báo cáo lỗ: 9 doanh nghiệp.       

- Thu nhập bình quân tháng của người lao động: 15 triệu đồng/người.

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về rất nhiều vấn đề liên quan đến việc thực thi các chính sách về DNKHCN, giải pháp thúc đẩy sự phát triển của lực lượng DNKHCN. Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi được chứng nhận DNKHCN, ngoài những ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thì giá trị thương hiệu mà DNKHCN mang tới có hỗ trợ rất lớn đối với việc thương mại hóa sản phẩm, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc tiếp cận chính sách ưu đãi hỗ trợ vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp đề xuất các cơ quan quản lý cần trao đổi cụ thể, rõ ràng giữa các đơn vị để đạt được việc thống nhất trong triển khai chính sách.
 

Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DNKHCN chủ trì Phiên thảo luận
 

Các đại biểu đánh giá rất cao về kết quả đạt được của buổi Hội thảo. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã được ghi nhận, làm cơ sở cho việc đưa ra các đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác về việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNKHCN, là tiền đề để xây dựng hoàn thiện pháp luật và triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển DNKHCN, hỗ trợ DNKNST phát triển theo mô hình DNKHCN./.

Theo http://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/18906/phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe---ket-noi-doanh-nghiep-khoi-nghiep-sang-tao.aspx