Thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, ngày 9/12 vừa qua, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã ký thông qua Luật số 12078 sửa đổi Luật số 11203 (Luật tự do hóa thương mại gạo, ban hành năm 2019, theo đó dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu và cho phép các chủ thể tự do tham gia xuất nhập khẩu và phân phối gạo) quy định kéo dài “Chương trình hỗ trợ tăng cường sức cạnh tranh cho ngành lúa gạo Philippines” (RCEF - Rice Competitiveness Enhancement Fund) đến năm 2031 với tiền quỹ hỗ trợ hàng năm tăng lên gấp 3 lần nhằm tăng cường và đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời, giúp hàng triệu người nông dân Philippines thoát khỏi khó khăn và đói nghèo.
Luật số 11203 được Philippines ban hành năm 2019 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tăng cường hiệu quả và tính cạnh tranh cho ngành sản xuất nông nghiệp Philippines, đặc biệt là ngành lúa gạo.
Luật này quy định xây dựng Chương trình hỗ trợ tăng cường sức cạnh tranh cho ngành lúa gạo Philippine với thời hạn 6 năm, đến hết năm 2024, nhằm tăng cường sức cạnh tranh cho người nông dân trước áp lực cạnh tranh toàn cầu. Chương trình này có sự tham gia của nhiều cơ quan Philippines bao gồm Bộ Nông nghiệp, Viện đào tạo nông nghiệp, Cục Quản lý cây trồng, Trung tâm Phát triển sau thu hoạch và Cơ giới hóa, Viện nghiên cứu lúa, Cơ quan Phát triển kỹ năng và Đào tạo kỹ thuật, Ngân hàng LandBank.
Theo chương trình này, trong vòng 6 năm kể từ năm 2019, mỗi năm Philippines sẽ chi 10 tỷ pesos, số tiền được trích từ nguồn thu thuế nhập khẩu gạo, để hỗ trợ cho người nông dân trồng lúa với các loại máy móc trang thiết bị và công cụ sản xuất, phát triển các giống lúa năng suất và chất lượng cao, cho vay vốn và các dịch vụ hỗ trợ khác sau thu hoạch.
Có tổng số 57 tỉnh/thành của Philippines có các vùng trồng lúa được hưởng lợi từ chương trình này. Đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người nông dân trồng lúa và các tổ chức hội của người nông dân. Chương trình sẽ kéo dài đến hết năm 2024.
Với việc ban hành Luật số 12078, Chương trình hỗ trợ tăng cường sức cạnh tranh cho ngành lúa gạo Philippine sẽ được kéo dài tới năm 2031 với số tiền quỹ hàng năm là 30 tỷ pesos, tăng gấp 3 so với giai đoạn trước đây. Chương trình sẽ tăng cường hỗ trợ cho các chương trình sản xuất giống lúa năng suất và chất lượng cao, cơ giới hóa sản xuất, đào tạo, cải tạo tăng độ phì nhiêu của đất, kiểm soát sâu bệnh, thủy lợi.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, ông Francisco P. Tiu Laurel Jr. cho rằng việc kéo dài chương trình này không chỉ đơn thuần là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà còn là đầu tư vào tương lai kinh tế đất nước.
Ngoài ra, Luật số 12078 còn cho phép Cơ quan lương thực quốc gia (National Food Authority - NFA) cung ứng lúa gạo dự trữ cho các cơ quan chính phủ và cơ quan công ích, thông qua các trung tâm KADIWA, trong trường hợp thiếu hụt lương thực hoặc có sự tăng giá lương thực quá mức làm bất ổn thị trường. Luật cũng quy định cho phép NFA bổ sung nguồn dự trữ bị thâm hụt bằng việc thu mua lúa gạo từ người nông dân trong nước hoặc nhập khẩu trong trường hợp trong nước không đáp ứng đủ.
Luật số 12078 còn quy định thẩm quyền cho Tổng thống quyết định việc nhập khẩu gạo với mức thuế thấp trong một khoảng thời gian và/hoặc một khối lượng nhập khẩu nhất định. Trong trường hợp có sự giảm giá gạo quá mức tại thị trường nội địa, Tổng thống có quyền quyết định dừng nhập khẩu gạo trong một khoảng thời gian và/hoặc một khối lượng nhất định cho tới khi nguồn cung gạo và giá gạo nội địa ổn định.
Cũng theo số liệu từ thương vụ, tính đến cuối tháng 10/2024, Philippines đã nhập khẩu tổng số 3,68 triệu tấn gạo. Con số này đánh dấu mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước và vượt tổng lượng gạo nhập khẩu của cả năm 2023 (3,61 triệu tấn).
Trong đó, gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu với 2,91 triệu tấn gạo xuất khẩu sang Philippines, chiếm hơn 79% thị phần nhập khẩu của quốc đảo này.
Đứng thứ hai là Thái Lan với 457.673,28 tấn, chiếm 12,4%. Tiếp theo là Pakistan với 162.369,48 tấn, chiếm 4,5%, Myanmar 114.766,75 tấn và Ấn Độ 22.039,04 tấn.
Với xu hướng tăng trưởng này, dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 có thể đạt 4,5 triệu tấn.
Không chỉ gạo, các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam sang Philippines cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng năm 2024. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Philippines đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.