Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đánh giá cao kết quả kinh tế-xã hội trong năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội. Theo đại biểu, đại dịch COVID-19 đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có thể thấy, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đã đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Chính phủ đã hành động rất quyết liệt, đề ra những nhiệm vụ cơ bản, sát với tình hình thực tế.

Để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong thời gian tới, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị cần chú trọng cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần phát triển đồng bộ hạ tầng và ưu tiên liên kết vùng, kết nối lại thị trường trong nước và quốc tế.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho biết ông cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ. Do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4, tăng trưởng kinh tế 9 tháng giảm mạnh, chỉ còn 1,42%. Một số mục tiêu kinh tế không đạt, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cả năm 2021. Song, đại biểu Thích Thanh Quyết khẳng định, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự đồng hành nhịp nhàng giữa Quốc hội và Chính phủ, sự đồng tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn thể nhân dân, chúng ta đã từng bước khắc phục những khó khăn, thực hiện công tác phòng, chống dịch quyết liệt, toàn diện, kịp thời.

Chính phủ đã thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, hỗ trợ trực tiếp cho người dân, người lao động, người thu nhập thấp bị mất việc. Nhiều nguồn lực trong xã hội đã được huy động cho công tác phòng, chống dịch, được nhân dân, cử tri cả nước tin tưởng và đánh giá rất cao. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chiến dịch vaccine của Chính phủ đã có hiệu quả và phủ khắp, kịch bản ứng phó với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh được ban hành chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Thích Thanh Quyết thống nhất với Chính phủ. Việc ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục có các cơ chế cụ thể, chính sách ngắn hạn, dài hạn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi phát triển và sản xuất kinh doanh.

Còn đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) nhận định đại dịch COVID-19 chính là phép thử với nền kinh tế. Đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 cần phải được đặt trong tổng thể kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh lập quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh; khi phê duyệt quy hoạch cần chú trọng tính liên kết vùng, định hướng phát triển kinh tế các vùng trọng điểm, lựa chọn địa phương, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế-tài chính tích hợp, phối hợp đa ngành các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế khu vực, liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng, tập trung kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc-Nam, phát triển cảng biển các tỉnh miền Trung, đầu tư kết nối cơ sở hạ tầng liên vùng các tỉnh Tây Nguyên với TPHCM, kết nối hệ thống đường cao tốc mang tính liên vùng giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh miền núi và trung du phía bắc. Cần quan tâm xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai với Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang để liên kết vùng và các tỉnh trong khu vực, gắn kết giao thông cửa ngõ đối ngoại với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang; tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh địa bàn chiến lược của các tỉnh miền núi biên giới phía bắc kết nối với các khu kinh tế trọng điểm trong cả nước.

Thứ ba, cơ cấu lại đầu tư công, trong đó nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tập trung đầu tư cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Cần cân đối và ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu kiến nghị Chính phủ tập trung và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả và tính cấp bách của chương trình.

Thứ tư, đại biểu Lý Thị Lan cũng cùng ý kiến với nhiều đại biểu khác, đề nghị cần cơ cấu lại nền kinh tế. Đại biểu phân tích, trải qua 2 năm đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá và là trụ đỡ của nền kinh tế. Vì vậy, cần ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp nhằm khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng. Việc xây dựng nông thôn mới là để bảo đảm các điều kiện nâng cao đời sống và phát triển kinh tế cho người dân.

Hải Liên

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Qua-dai-dich-cang-thay-ro-tai-co-cau-nen-kinh-te-la-dieu-phai-lam/452527.vgp