Quy hoạch Điện VIII khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Ảnh minh họa
Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Hội đồng Thẩm định họp xem xét và bỏ phiếu thông qua vào ngày 3/10. Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng Thẩm định, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và gửi tờ trình lên Chính phủ về việc phê duyệt đề án.

Tự thực tế về việc mất cân đối giữa các nguồn điện, Bộ Công Thương cho biết, Quy hoạch điện VIII đã hướng tới khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn điện giữa các vùng miền, phát triển cân đối, hài hòa công suất nguồn trên từng vùng, hướng tới đảm bảo cân bằng nguồn - tải nội vùng; nâng cao độ tin cậy cung cấp điện nhằm giảm tổn thất truyền tải và khai thác hiệu quả các nguồn điện.

Quy hoạch điện VIII đã có nhiều nội dung thay đổi phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định, đề án tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Để đảm bảo cấp điện phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2045, Quy hoạch điện VIII đã thực hiện dự báo phụ tải dựa trên các cơ sở dữ liệu về phát triển kinh tế-năng lượng của 30 năm quá khứ (1990-2020); các mục tiêu và kịch bản phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đề ra tại Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm.

Dự báo phụ tải Quy hoạch điện VIII thực hiện với 3 phương án, tương ứng với 3 kịch bản tăng trưởng GDP từng giai đoạn tới năm 2045 đề ra tại Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Kết quả dự báo phụ tải toàn quốc và các miền sau khi rà soát không thay đổi so với kết quả đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 1682/TTr BCT ngày 26/3/2021.

Cụ thể, dự báo công suất cực đại năm 2025 đạt khoảng 59.389-61.357 MW, năm 2030 khoảng 86.493-93.343 MW, năm 2035 khoảng 113.952-128.791 MW, năm 2040 khoảng 135.596-162.904 MW và năm 2045 khoảng 153.271-189.917 MW.

Tương ứng với công suất tiêu thụ đó, năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 102.590-105.265 MW. Đến năm 2030 khoảng 130.371-143.839 MW và đến năm 2045 là khoảng 261.951-329.610 MW.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các nguồn điện tại Quy hoạch điện VIII sau khi điều chỉnh đã có sự cân đối hơn.

Nhiệt điện than giảm tỉ trọng đáng kể trong hệ thống nguồn điện so với hiện nay, trong khi đó nhiệt điện khí sẽ tăng lên. Nhiệt điện than đến năm 2030 là 40.899 MW, chiếm tỉ lệ 28,4-31,4%. Còn nhiệt điện khí năm 2030 tăng rất mạnh, công suất lên đến 27.471-32.271 MW chiếm tỉ lệ 21,1-22,4%.

Đáng lưu ý, đến năm 2045, tỉ trọng nhiệt điện than giảm xuống, chỉ chiếm 15,4-19,4%, còn nhiệt điện khí (tính cả LNG) tiếp tục tăng lên, chiếm tỉ lệ 23,5-26,9%.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2031-2045, Quy hoạch điện VIII khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; tăng tỉ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% vào năm 2045.

Riêng về cơ cấu điện sản xuất, Quy hoạch điện VIII cũng nêu rõ, năm 2025 tỉ trọng thủy điện là 23,2-24%, nhiệt điện than 40,5-42,4%, nhiệt điện khí 13,1-15,3%, nguồn điện năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (gió, mặt trời, sinh khối, ...) 16,4-17,1%, nhập khẩu 4,1-4,5%. Đến năm 2045 thì thủy điện là 8,2-9,8%, nhiệt điện than 27,4-32,4%, nhiệt điện khí 28,4-33,1%, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện 26,5-28,4%, nhập khẩu 3,05-3,1%.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, với chương trình phát triển nguồn điện như trên, điện năng sản xuất và nhập khẩu các giai đoạn trong Quy hoạch điện VIII đều đáp ứng nhu cầu điện dự báo.

Ngoài ra, hệ thống lưới điện truyền tải tại Quy hoạch điện VIII cũng được xây dựng đảm bảo đáp ứng yêu cầu hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, ổn định, có khả năng tích hợp tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo cao; khắc phục các tình trạng quá tải, nghẽn mạch, chất lượng điện áp thấp và một số vấn đề kỹ thuật vận hành lưới điện khác.

Bộ Công Thương cho biết, tổng công suất các nguồn điện sẽ tiếp tục được rà soát thêm trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII để phù hợp với khả năng giải tỏa công suất của lưới điện và khả năng vận hành an toàn của hệ thống điện.

Bộ cũng kiến nghị lựa chọn kịch bản phụ tải cao làm phương án điều hành, nhằm đảm bảo mức dự phòng nguồn điện hợp lý, từ đó đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế tăng trưởng theo mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2045.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32-115,96 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 85,70-101,55 tỷ USD (mỗi năm khoảng 8,57-10,15 tỷ USD), cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58-14,41 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36-1,44 tỷ USD).

Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện Chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2031-2045 khoảng 180,1-227,38 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 163,14-208,89 tỷ USD (mỗi năm khoảng 10,88-13,93 tỷ USD), cho lưới điện khoảng 16,93-18,49 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,13-1,23 tỷ USD).

PT

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Quy-hoach-dien-VIII-Khac-phuc-mat-can-doi-nguon-dien-cung-cap-du-dien-cho-nen-kinh-te-den-nam-2045/449619.vgp