Toàn cảnh buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh; Hoàng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; Nguyễn Thái Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh; đại diện các sở, ban ngành liên quan.

Chú trọng đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH&CN
 

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông – Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại buổi làm việc.
 

Tại cuộc làm việc, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đã thông tin với Đoàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh. Từ năm 2016 - 2021, trên địa bàn Tỉnh đã tập trung nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa chủ lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được Tỉnh chú trọng đầu tư. Hiện nay, tỉnh đang duy trì phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, 241 vùng trồng với diện tích là 3600ha. Thông qua nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và sản xuất của tỉnh. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, mở rộng diện tích tại chỗ và nhân rộng sang các vùng lân cận. Nhiều sản phẩm được xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường tạo nên các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giai đoạn 2016 - 2021, Sơn La triển khai thực hiện 102 nhiệm vụ KH&CN; tổ chức 199 phiên họp của Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh xét đánh giá cho 626 giải pháp đề nghị công nhận hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn Tỉnh. Toàn Tỉnh hiện có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó 2 sản phẩm (Chè Shan Tuyết và Xoài tròn Yên Châu) được bảo hộ tại thị trường Châu Âu theo cam kết tại Hiệp định EVFTA. UBND Tỉnh đã đặt hàng triển khai nhiệm vụ KH&CN thực hiện từ năm 2022 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 đối với 5 nhiệm vụ liên quan đến các sản phẩm mắc ca, dứa, cá sông Đà, xoài Yên Châu, chè Tà Xùa Bắc Yên.

Năm 2022, Sơn La triển khai thực hiện 38 nhiệm vụ KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN đang triển khai góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực, phục vụ phát triển cây ăn quả. Các nhiệm vụ KH&CN mới phê duyệt năm 2022 đã bám sát định hướng của tỉnh trong phát triển nông lâm nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ cao như: Ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ 4.0 theo dõi sinh trưởng, sức khỏe một số cây trồng nông nghiệp (xoài, nhãn) trên địa bàn Tỉnh; Nghiên cứu đánh giá khả năng thích nghi của một số giống Lê có năng suất, chất lượng cao trên vùng sinh thái phù hợp của tỉnh... Các nghiên cứu về xã hội, nhân văn tiếp tục được quan tâm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển du lịch.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 12 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Công tác kiểm tra và đảm bảo an ninh, an toàn đối với thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ tại các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, một số cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy định.

Tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La đến năm 2025”; tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La năm 2022; bước đầu triển khai các nội dung thuộc Đề án đo lường, Đề án truy suất nguồn gốc của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2021 đã triển khai thành công truy xuất nguồn gốc cho cây Đào trên địa bàn tỉnh với việc cấp phát miễn phí 149.404 tem truy xuất cho 9/12 huyện, thành phố. Tỉnh đã hoàn thành việc chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng sang tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan hành chính nhà nước và 191 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Tỉnh…

Khai thác tối đa các lợi thế của địa phương

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Sơn La vẫn còn một số khó khăn trong triển khai hoạt động KHCN&ĐMST như việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống bị hạn chế do là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt phức tạp, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trình độ dân trí còn thấp; việc xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2022 đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở còn vướng mắc; các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ và năng lực công nghệ sản xuất còn thấp, năng lực tài chính để đầu tư đổi mới công nghệ còn hạn chế;...

Tỉnh Sơn La mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ KH&CN để triển khai hiệu quả các chương trình phát triển hoạt động khoa học và công nghệ; nhất là việc hỗ trợ, ứng dụng và chuyển giao hoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, chương trình mỗi xã một sản phẩm, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ tỉnh trong hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN đã cung cấp thông tin, trao đổi, chia sẻ các kiến nghị, đề xuất của tỉnh cũng như các giải pháp nhằm khai thác tối đa những lợi thế của tỉnh và đẩy mạnh hoạt động KHCN&ĐMST.  
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao kết quả hoạt động KHCN&ĐMST của tỉnh Sơn La.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả tỉnh Sơn La đạt được trên các lĩnh vực trong thời gian qua. Lãnh đạo Tỉnh đã rất quan tâm đến hoạt động KHCN&ĐMST, nhờ đó KHCN&ĐMST đã thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bộ trưởng ủng hộ các đề xuất của tỉnh và cam kết Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành với Tỉnh trong thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST. Về đề xuất chiếu xạ nông sản, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề một số nhà nhập khẩu nông sản Hoa Kỳ đã nêu ra trong cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ. Tỉnh xem xét trong khu vực có nên hình thành trung tâm chiếu xạ phục vụ cho địa phương và khu vực vì đây cũng là một tiềm năng.  

Về vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật cho nông sản, Bộ trưởng đề nghị Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) làm việc cụ thể với Sở KH&CN, bàn giải pháp để phát triển Trung tâm TĐC của Tỉnh.

Liên quan đến chỉ dẫn địa lý hay nhãn hiệu hàng hóa, Bộ trưởng đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ làm việc với Sở KH&CN.

Bộ trưởng ủng hộ chủ trương xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Tỉnh. Hiện Chính phủ đã giao Bộ KH&CN thành lập 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở 3 địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM), nếu tỉnh Sơn La quyết tâm xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh, Bộ KH&CN đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ về mặt chuyên môn, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo để triển khai hiệu quả.
 

Đoàn công tác dâng hương Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Tây Bắc.
 

Trước đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cùng Đoàn công tác đã dâng hương Đền thờ Bác Hồ tại Quảng trường Tây Bắc, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Nhà tù Sơn La.

 

Theo https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/22072/son-la--chu-trong-dau-tu-cho-khoa-hoc--cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-phuc-vu-phat-trien-kinh-te---xa-hoi.aspx