Cần khung pháp lý mạnh mẽ về kinh doanh tín chỉ carbon

Theo TS. Samuel Buertey - quyền Phó Chủ nhiệm bộ môn Kế toán và Luật (Đại học RMIT), doanh thu tạo ra từ việc bán tín chỉ carbon có thể phân bổ một cách thông minh vào các ngành công nghiệp khác nhau nhằm đẩy mạnh việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang những hướng thực hiện thân thiện với môi trường hơn.

Với nguồn tài nguyên rừng lớn, Việt Nam có thể phân bổ một phần lợi nhuận để tiếp tục tài trợ cho các hoạt động quản lý rừng bền vững. Tăng cường quản lý và thể chế giám sát lâm nghiệp, đồng thời đầu tư vào các dự án trồng cây gây rừng và tái trồng rừng, sẽ đảm bảo bảo vệ rừng khỏi bị chuyển đổi cho các mục đích nông nghiệp, công nghiệp và đô thị.

Bên cạnh đó, TS. Samuel Buertey cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể tạo thêm nhiều ưu đãi cho nông dân và cộng đồng phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên rừng, khuyến khích họ bảo tồn và trồng rừng. Một phần lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon có thể đầu tư vào các dự án năng lượng tái chể để giảm 40% sự phụ thuộc của Việt Nam vào nhiên liệu hóa thạch và giảm bớt phát thải nhà kính.

Ngoài ra, việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ giảm phát thải hoặc tăng cường thu hồi carbon là khoản đầu tư đáng cân nhắc. Mặc dù công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) còn đang trong giai đoạn sơ khởi, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, Chính phủ có thể thiết lập một quỹ đặc biệt để hỗ trợ hoạt động R&D trong công nghệ CCUS. Khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy đổi mới và cung cấp các giải pháp lâu dài cho những thách thức về môi trường.

Chia sẻ cách làm tối ưu từ một số quốc gia khác mà Việt Nam có thể áp dụng để cải thiện chiến lược quản lý tín chỉ carbon, TS. Samuel Buertey nhấn mạnh, Việt Nam phải thiết lập khung pháp lý mạnh mẽ xác định các quy tắc và hướng dẫn về việc kinh doanh tín chỉ carbon và thực thi hoạt động này. Hệ thống mua bán phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS), được biết đến là khung pháp lý nổi bật, có thể là khuôn mẫu mà Việt Nam có thể áp dụng. Việt Nam có thể áp dụng các quy định nghiêm ngặt tương tự để đảm bảo tính liêm chính và tuân thủ của thị trường. 

Mặc dù giá tín chỉ carbon nên được quyết định bởi thị trường, Việt Nam có thể triển khai chiến lược ổn định thị trường dựa trên quy tắc để giải quyết biến động giá quá mức và không khuyến khích đầu tư vào carbon thấp.  Một chiến lược khác mà Việt Nam nên cân nhắc trong trung và dài hạn là liên kết với các thị trường carbon khác trong khu vực và trên toàn cầu.

Từ năm 2020, EU đã liên kết ETS của mình với Thụy Sỹ, giúp thị trường linh hoạt và hiệu quả hơn. Việt Nam nên xem xét cách tiếp cận tương tự để tăng cường tính thanh khoản và đem đến nhiều lựa chọn giao dịch hơn cho doanh nghiệp.

Thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc

Để Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo TS. Phạm Nguyễn Anh Huy - Giảng viên cấp cao ngành Tài chính của Đại học RMIT, Việt Nam cần phải thiết lập sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc.

“Sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc thường cho các công ty thật sự nỗ lực cắt giảm phát thải bằng cách cho phép họ bán tín chỉ dư thừa, đồng thời thúc đẩy những đơn vị chưa thực hiện phải đầu tư nhiều hơn vào các trang thiết bị và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường”, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy nêu rõ.

TS. Phạm Nguyễn Anh Huy đề xuất Việt Nam đi theo mô hình EU ETS để quản lý và điều tiết tín chỉ carbon trên sàn giao dịch bắt buộc. “EU ETS gồm 4 giai đoạn và hoạt động dựa trên cơ sở ‘mức trần và giao dịch’, theo đó mỗi công ty có số lượng phát thải cho phép nhất định. Nếu phát thải quá mức quy định, công ty phải mua thêm hạn ngạch phát thải trên thị trường, với mức giá do thị trường định đoạt. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu của EU ETS, hầu hết hạn ngạch phát thải đều miễn phí, nhưng với mỗi tấn không tuân thủ quy định sẽ bị phạt 40 euro. Các hạn ngạch phát thải miễn phí sẽ giảm bớt trong các giai đoạn tiếp theo và dần dà công ty sẽ phải đấu giá mua các hạn ngạch phát thải này”, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy cho hay.

“Chính phủ Việt Nam nên xem xét hình phạt thích hợp đối với các công ty không tuân thủ và hạn chế các khoản phạt có thể khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động”, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy lưu ý.

Chuyên gia này cũng chia sẻ, Việt Nam cần lưu ý rằng, cơ sở hạ tầng cần thiết cho sàn giao dịch tín chỉ carbon phải triển khai quy trình đo đạc, báo cáo và xác nhận (MRV) lượng phát thải theo cấp công ty và cấp trang thiết bị. Sàn giao dịch phải đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn dù giai đoạn thí điểm có thể còn thấp. Chính phủ nên cân nhắc đưa các công nghệ mới nổi như blockchain và AI vào để giảm chi phí và tăng cường tính minh bạch và chính xác cho quy trình MRV. Những công nghệ này còn cho phép Việt Nam mở rộng và hội nhập với thị trường carbon của các quốc gia và khu vực khác như EU, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần dùng các công nghệ để đẩy mạnh các quy trình MRV và giảm ước tính sai phát thải khí nhà kính trong giai đoạn thí điểm của sàn giao dịch tín chỉ carbon. Điều này cũng có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon và giảm thiểu tác động của thuế carbon quốc tế đối với các công ty trong nước.

Theo https://tapchitaichinh.vn/su-dung-loi-nhuan-tu-ban-tin-chi-carbon-de-tang-tinh-ben-vung-cho-moi-truong.html