Hình ảnh: Tác động của đại dịch Covid - 19 và những vấn đề phát triển đặt ra ​(phần 2) số 1

 

III. Những vấn đề phát triển đặt ra

Đã có những đánh giá cho rằng, do tác động của đại dịch Covid, nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ suy thoái rất nghiêm trọng, có thể vượt quá mức độ nghiêm trọng không chỉ của cuộc khủng hoảng 2008, mà còn vượt quá cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933. Sự tác động của đại dịch Covid - 19, có thể là ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; một mặt làm bộ lộ rõ hơn những bất cập về vấn đề phát triển hiện nay, đồng thời cho thấy những xu hướng mới trong sự phát triển. Ở đây, bước đầu xin khái quát một số vấn đề về phát triển đặt ra như sau :

1. Vấn đề phát triển bền vững : Phát triển bền vững được đặt ra trên bình diện toàn cầu với “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 diễn ra từ ngày 25-27/9/2015, New York. Đây là một kế hoạch hành động vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng, “Lấy con người làm trung tâm”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “cho các thế hệ hôm nay và ngày mai”. Chương trình này thể hiện những giá trị nhân văn, nhân bản của toàn nhân loại trong quá trình phát triển của giai đoạn mới. Tuy nhiên, đại dịch Covid - 19 đã cho (hay đòi hỏi) nhận thức, cách tiếp cận sâu sắc hơn, toàn diện hơn về phát triển bền vững trên toàn cầu cũng như trong mỗi nước. Phát triển bền vững không chỉ là sự hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường; mà cốt lõi là những lợi ích chung, giá trị chung của nhân loại ngày càng tăng lên, sự tùy thuộc lẫn nhau trên bình diện toàn cầu, giữa các khu vực, các quốc gia ngày càng tăng lên, đòi hỏi phải chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu, cùng chia sẻ lợi ích, chia sẻ giá trị và cả những rủi ro; điều này mâu thuẫn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ. Đại dịch Covid cũng cho thấy riêng sự giàu có về kinh tế, của cải cũng không đủ là cơ sở đảm bảo phát triển bền vững, những yếu tố về an ninh con người, an ninh xã hội, an ninh sinh thái đang ngày càng có ý nghĩa lớn lao hơn đối với sự phát triển bền vững. Vì vậy, việc xây dựng việc xây dựng và thực thi thể chế phát triển bền vững tổng hợp về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và an ninh sinh thái là rất quan trọng và bức thiết, trong đó phải thực sự đặt con người vào trung tâm của sự phát triển.

2. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế : Vẫn là xu hướng không thể đảo ngược được, dù có sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ có những tác động ngược chiều, vì quá trình xã hội hóa nền sản xuất toàn cầu vẫn là một quy luật khách quan và tiếp tục được đẩy mạnh, các nền kinh tế của các nước có sự phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc trên quy mô toàn thế giới. Hầu như tất cả các sản phẩm, dịch vụ trong sản xuất và tiêu dùng xã hội ngày nay đều có dấu ấn của các chuỗi sản xuất (giá trị), chuỗi cung ứng mang tính khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, tác động của đại dịch Covid cho thấy quá trình toàn cầu hóa đang đứng trước những thách thức mới, không thể đơn thuần theo các thể chế và quy tắc cũ, không thể bị khống chế mạnh chỉ bởi các nước lớn; quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa, đa phương hóa, song phương hóa đang diễn ra đan xen với nhau rất phức tạp, hầu như không nước nào có thể “đứng ngoài quá trình này” với vai trò “ngư ông đắc lợi”. Toàn cầu hóa về kinh tế không thể có nền tảng vững chắc nếu không có những thể chế bảo vệ sự hài hòa, hợp lý về trách nhiệm, lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các khu vực, các quốc gia, nhất là đối với những nước còn kém phát triển; nếu không gắn với quá trình toàn cầu hóa các lĩnh vực khác (ví dụ như bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, vấn đề trách nhiệm chính trị quốc tế, vấn đề quản trị toàn cầu và khu vực…) đồng bộ với toàn cầu hóa về kinh tế, nếu chỉ thiên về lợi ích kinh tế. Thực tiễn đang đòi hỏi và diễn ra quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế, thiết chế toàn cầu hóa, khu vực hóa phù hợp và hiệu quả hơn với bối cảnh mới.

Bối cảnh biến đổi phức tạp của quan hệ quốc tế và khu vực, đang đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với Việt Nam (có thể thách thức còn lớn hơn cơ hội), đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ và dự báo các xu hướng, tình huống biến đổi, để trên cơ sở đó xây dựng các “kịch bản” ứng phó kịp thời và hiệu quả, không rơi vào thế bị động.

 

Hình ảnh: Tác động của đại dịch Covid - 19 và những vấn đề phát triển đặt ra ​(phần 2) số 2

IMF đưa ra tuyên bố về sự đồng lòng chống lại dịch bệnh của Tổ chức (Ảnh: IMF)

 

3. Sự thay đổi về nhận thức và thực tiễn về vai trò và mối quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội : Trước đại dịch Covid - 19, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên, cùng với cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì chủ nghĩa kinh tế thị trường tự do trên toàn cầu (được chi phối chủ yếu bởi lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia…) đã có bước “thụt lùi”, vai trò của các thể chế toàn cầu, thể chế quốc tế có mặt bị suy giảm (kể cả vai trò của Liên Hợp Quốc, của WTO, WB, IMF…), vai trò của Nhà nước trở nên nổi trội hơn kể cả trên quan hệ quốc tế cũng như trong từng nước. Tác động của đại dịch Covid - 19 cho thấy những xu thế mới : Vai trò của các thể chế toàn cầu, thể chế quốc tế, thể chế khu vực được coi trọng hơn trong việc phối hợp các hành động phòng chống dịch và khôi phục kinh tế; vai trò của các nhà nước trong các quốc gia cũng có những điều chỉnh (một mặt sẽ phải phối hợp với nhà nước ở các quốc gia khác trong các thể chế quốc tế và khu vực, hay song phương để giải quyết các vấn đề liên quan chung, mặt khác, vai trò của Nhà nước được tăng cường hơn trong quan hệ với thị trường và xã hội) không chỉ trong phòng chống dịch mà cả trong khôi phục kinh tế; nhà nước đã can thiệp rất mạnh vào thị trường để bảo vệ doanh nghiệp và người lao động thông qua các gói hỗ trợ lớn chưa từng có. Điều đó cho thấy sẽ có những điều chỉnh quan trọng quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội cả trên bình diện quốc tế cũng như trong từng nước theo hướng vai trò của Nhà nước và vai trò của xã hội sẽ được tăng cường hơn để ứng phó với những biến cố lớn và đảm bảo sự phát triển bền vững trong “trạng thái bình thường mới” hậu Covid. Mức độ điều chỉnh như thế nào sẽ phụ thuộc vào diễn biến của bối cảnh quốc tế và điều kiện cụ thể của từng nước.

4. Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững : Vấn đề xây dựng cấu trúc kinh tế để đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững đã được đặt ra rừ lâu. Nhưng tác động của đại dịch Covid cho thấy những vấn đề mới đặt ra : Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực và trong từng nước do đóng cửa biên giới, cách ly xã hội cho thấy sâu sắc hơn “không thể đặt tất cả trứng vào một giỏ” (dù đó là thị trường lớn, ở rất gần), mà phải đa dạng hóa đối tác, thị trường. Cũng không nên đặt tất cả các chuỗi cung ứng ở nước ngoài (nhất là các chuỗi cung ứng chiến lược), và đặt quá xa chính quốc; đồng thời phải có những dự chữ chiến lược nhất định. Đây là bài học rất lớn đối với các nước có độ mở nền kinh tế lớn, cả đầu vào và đầu ra đều phụ thuộc rất lớn vào nước ngoài, nhưng tiềm lực thực tế còn hạn chế (như Việt Nam). Có thể chính vì vậy mà trước đại dịch, dưới tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu diễn ra quá trình điều chỉnh các chuỗi cung ứng trên toàn cầu; và đại dịch Covid đã là làm rõ hơn, sâu sắc hơn quá trình này - quá trình điều chỉnh cấu trúc kinh tế trên toàn cầu. Mặt khác, cũng từ tác động của đại dịch Covid -19, xuất hiện xu thế phát triển “nền kinh tế ít chạm” (Low touch economy). Tất yếu các quá trình này sẽ tác động đến quá trình điều chỉnh cấu trúc kinh tế của mối quốc gia. Liệu đây có phải là “bước lùi” của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế không (?), xét theo quan điểm phát triển bền vững thì không, vì sẽ hình thành một cấu trúc kinh tế hiệu quả hơn, phát triển bền vững hơn trên bình diện quốc tế cũng như trong mỗi nước. Tuy nhiên, quá trình điều chỉnh này của các nước, nhất là các nước lớn, nắm giữ đa số các chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu chỉ co về lợi ích của riêng mình, không tính đầy đủ đến lợi ích tương hỗ trên bình diện quốc tế, toàn cầu, thì sẽ đưa đến những tác động tiêu cực đối với sự phát triển. 

5. Đẩy mạnh quá trình “số hóa” mọi hoạt động của đời sống xã hội : Quá trình “số hóa”, “chuyển đổi số” đã diễn ra trước khi có đại dịch Covid dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, đại dịch Covid đã đẩy nhanh quá trình này và đặt ra những vần đề mới. “Số hóa” được đẩy mạnh và lan rộng trong hầu hết các lĩnh vực : phát triển kinh tế số, sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, quản lý nhà nước, quản trị xã hội, giao lưu quốc tế, các hoạt động của đời sống xã hội. Trên thực tế xuất hiện xu hướng hình thành “xã hội ít chạm” hơn (theo nghĩa các quan hệ xã hội sẽ được đẩy mạnh qua mạng). “Số hóa” là xu thế khách quan, song vấn đề đặt ra là, “số hóa” như là “sự bắt buộc, cứu cánh” được đẩy mạnh trong điều kiện cách ly xã hội; còn tính hợp lý và hiệu quả về các mặt của quá trình “số hóa” sẽ thế nào với trạng thái “hậu Covid” (?), chung và đối với từng lĩnh vực (?). Điều này đòi hỏi những nghiên cứu sâu rộng, tổng hợp về tác động tích cực, tiêu cực, những giới hạn đặt ra, cả về kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa, xã hội, đạo đức, an ninh và môi trường sinh thái trước mắt và lâu dài.

6. Xu thế phát triển giáo dục qua mạng: Giáo dục qua mạng đã phát triển ở những mức độ khác nhau ở các nước trước đại dịch Covid - 19, được coi là một xu thế tiên tiến. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid, cách ly xã hội, giáo dục qua mạng được “cưỡng bức” thực hiện ở tất cả các cấp bậc và hình thức giáo dục - đào tạo ở nhiều nước (từ giáo dục mẫu giáo đến giáo dục đại học, trên đại học…). Từ đây có khuynh hướng đẩy tới giáo dục qua mạng như là một phương thức chủ đạo trong giáo dục “hậu Covid” và cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng từ thực tế giáo dục qua mạng ở các nước trong bối cảnh dịch Covid đang đặt ra nhiều vấn đề sâu rộng hơn về giáo dục học, xã hội học, tâm lý học, đạo đức học…, chứ không đơn giản chỉ là về phương thức, phương pháp giáo dục. Trên thế giới, và ngay tại nước Mỹ (là nước giáo dục qua mạng thuộc loại phát triển nhất, đã có những trường học qua mạng đào trên toàn cầu) cũng đang có những ý kiến khác nhau về tác động tích cực và tiêu cực của giáo dục qua mạng (liên quan đến giáo dục nhân cách, sinh hoạt tập thể, quan hệ con người, hình thành ý thức cộng đồng, trách nhiệm xã hội, nhất là đối với học sinh phổ thông; giáo dục thực hành, thực nghiệm, sáng tạo…); vấn đề cấu trúc hệ thống giáo dục, tổ chức nhà trường, đội ngũ giáo viên, phương pháp giáo dục qua mạng; chưa kể những tác động xã hội khác như môi trường học tập tự chủ tại nhà, vai trò của bố mẹ, việc trông gửi trẻ khi bố mẹ đi làm, vấn đề an ninh, an toàn cho học sinh học tại nhà. Điều khảng định là giáo dục qua mạng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, song cần phải nghiên cứu sâu rộng tác động tích cực, tiêu cực của giáo dục qua mạng về mọi phương diện liên quan, mức độ đáp ứng với mục tiêu giáo dục toàn diện đối với từng cấp, bậc học, đối tượng, nội dung và hình thức giáo dục - đào tạo, để xây dựng thể chế giáo dục qua mạng phù hợp, hiệu quả. 

7. Vần đề hình thành và phát triển các giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị quốc gia - dân tộc : Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (về kinh tế là chủ đạo) đã chi phối khá đậm nét các giá trị con người, giá trị xã hội và giá trị quốc gia - dân tộc qua các chỉ số kinh tế. Nhưng tác động của đại dịch Covid - 19 đã đặt ra những vấn đề đáng lưu ý về các giá trị xã hội : Trên bình diện quốc tế cũng như trong từng nước, có lẽ từ sau chiến tranh thế giới thứ II, đây là lần đầu tiên “đánh thức” cao ý thức cộng đồng, sự sẻ chia đầy tình người, chung tay góp sức phòng chống đại dịch trên phạm vi rộng lớn; “ngoại giao khẩu trang, máy thở, vật phẩm và trang thiết bị bảo hộ y tế”; sự phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong cộng đồng quốc tế để phòng chống dịch, về một phương diện nào đó thể hiện giá trị quốc gia - dân tộc (về điều này Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao). Cùng với đó, việc hình thành những giá trị sống, lối sống lành mạnh, nhân văn, hài hòa xã hội với tự nhiên, ý thức cộng đồng, kỷ cương và trách nhiệm xã hội được đề cao. Đó là những giá trị tốt đẹp sẽ được phát huy như thế nào trong xã hội “hậu Covid” là vấn đề cần được nghiên cứu và xây dựng các thể chế, thiết chế để bảo vệ và thúc đẩy phát triển các giá trị này.

8. Vấn đề đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cho nhân dân: Thực tế phòng chống đại dịch Covid -19 ở các nước trên thế giới cho thấy, những nước bị thiệt hại nặng nề nhất lại là những nước có nền kinh tế và nền y tế thuộc loại mạnh nhất (Mỹ, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Brasil. Ấn Độ…). Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân chính, một là, chính phủ của các nước chậm nhận thức đầy đủ mối nguy hiểm của đại dịch Covid, chủ quan, phản ứng chậm, có những nhận thức không phù hợp về các giải pháp phòng chống (như chấp nhận giải pháp “miễn dịch cộng đồng”…), việc thực hiện các giải pháp thiếu quyết liệt, thiếu sự đồng thuận cao của người dân, hai là, cấu trúc của hệ thống y tế có những bất cập (y tế dự phòng, y tế công cộng, hệ thống kiểm dịch yếu…), vì vậy, khi dịch bùng phát mạnh đã bị “vỡ trận”, không kiểm soát được một cách hiệu quả. Không chỉ đại dịch Covid còn tác động lâu dài, mà các loại dịch bệnh mới khác chắc chắn sẽ phát sinh; vì vậy, vấn đề nghiên cứu để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cân đối, phù hợp, hiệu quả giữa y tế dự phòng, y tế công cộng, hệ thống kiểm dịch và hệ thống khám điều trị là một nhiệm vụ quan trọng; trên cơ sở đó xây dựng thể chế và cơ chế, chính sách cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiệu quả, bền vững.

Vấn đề này còn liên quan đến quy hoạch phát triển không gian sống của các cộng đồng dân cư (thành thị và nông thôn) không tập trung quá lớn, có đồng bộ các dịch vụ thiết yếu, để sao cho vừa đảm bảo đầy đủ các điều kiện sống, đồng thời trong tình huống khẩn cấp xảy ra dịch bệnh có thể thực hiện nhanh, có hiệu quả việc truy vết, cách ly ở quy mô hợp lý, không làm ảnh hưởng quá lớn đến nhiều người.

9. Vấn đề bền vững về môi trường: Trong hơn một thập kỷ gần đây, toàn thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề ô nhiếm môi trường toàn cầu và tác động đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với nền sản xuất theo đuổi tăng trưởng và lợi nhuận không ngừng đặt lên hàng đầu (cùng với văn hóa tiêu dùng không hài hòa, thân thiện với môi trường) bất chấp các hậu quả gây ra về môi trường, đã đẩy nhân loại vào một môi trường sinh thái đầy rủi ro; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh mới ngày càng tăng, không thể kiểm soát được một cách hiệu quả, có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của nền văn minh của nhân loại. Các nhà khoa học đưa ra những cảnh báo rằng hiện tại, nền văn minh của nhân loại đang hoạt động quá mức 40% so với khả năng bền vững của nó. Vào năm 2017, hơn 15.000 nhà khoa học từ 184 quốc gia đã đưa ra một cảnh báo đáng ngại cho nhân loại rằng thời gian để ứng phó sắp hết. Họ khẳng định: “Sẽ là quá muộn để chuyển hướng khỏi quỹ đạo của sự sụp đổ toàn hành tinh của chúng ta”. Nhưng sự nỗ lực trên bình diện toàn cầu cũng như trong từng nước còn xa mới đáp ứng yêu cầu; có những nước nới lỏng các quy định về bảo vệ môi trường để thúc đẩy sản xuất, năm 2019 Mỹ cũng đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…Đại dịch Covid - 19 đã cho thấy môi trường sinh thái trên toàn cầu đã trở nên trong lành như thế nào khi phải thực hiện các giải pháp cách ly xã hội, dãn cách xã hội. Liệu tác động của đại dịch Covid có thể làm thay đổi hiện trạng về vấn đề bảo bảo vệ môi trường trong gia đoạn tới  hay không? Yêu cầu phát triển bền vững về môi trường là rất cấp thiết, như Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh rằng chúng ta cần “những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong mọi khía cạnh của xã hội” để tránh thảm họa, song đến nay chưa có câu trả lới chắc chắn. Đây là nhiệm vụ mà cả nhân loại và từng nước phải nhận thức sâu sắc và có những giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn quá trình này.

10. Thực hiện “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế : Đây là mục tiêu mà tất cả các nước bị tác động của đại dịch Covid đặt ra, điểm chung nhất là tập trung sớm khống chế được dịch và từng bước mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện của mỗi nước mà bước đi và giải pháp cụ thể khác nhau. Nhưng thực tiễn của nhiều nước và cả của Việt Nam cho thấy, nếu khống chế dịch không chắc chắn, chủ quan và vội vã mở cửa nền kinh tế (như du lịch, dịch vụ lưu trú, giao thông công cộng, dịch vụ ẩm thực công cộng…) thì dịch sẽ bùng phát trở lại; khi đó cái giá phải trả sẽ rất đắt. Trên thực tế, xét về bản chất, các giải pháp không chế dịch mâu thuẫn với mở cửa và phát triển kinh tế; việc lựa chọn các giải pháp để đồng thời đáp ứng “mục tiêu kép” này là không dễ dàng, phải có sự ưu tiên trong từng bối cảnh cụ thể. Có thể khái quát thành ba giai đoạn sau :

- Giai đoạn một : Chống dịch và đảm bảo các hoạt động kinh tế thiết yếu trong khi dịch vẫn đang bùng phát.

- Giai đoạn hai : Về cơ bản đã khống chế được dịch ở trong nước; nhưng dịch ở các nước đối tác kinh tế chủ yếu vẫn đang tác động và chưa khống chế được chắc chắn.

- Giai đoạn ba : đã dập tắt được dịch trong nước và các nước đối tác kinh tế đã khống chế và đẩy lui được dịch.

Tương quan giữa các giải pháp chống dịch và giải pháp đảm bảo các hoạt động kinh tế trong giai đoạn một là phải ưu tiên cao hơn các giải pháp chống dịch, dù phải chịu thiệt hại về kinh tế, mục đích là sớm khống chế và đẩy lui được dịch. Sang giai đoạn hai, vẫn phải rất coi trọng các giải pháp chống dịch, song từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế với các điều kiện và giải pháp đi kèm đảm bảo chống dịch hiệu quả, không để dịch lây lan trở lại; trong trường hợp dịch bùng phát trở lại cần thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ để truy vết, khoanh vùng, không chế và dập tắt theo khu vực, không để lan rộng. Gian đoạn 3, đẩy mạnh hơn các giải pháp phục hồi nền kinh tế trong nước; từng bước mở cửa hoạt động kinh tế với nước ngoài; song, do chưa có vacxin và thuốc đặc hiệu chống Covid, nên vẫn phải thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ bệnh dịch và chống lây nhiễm dịch, nhất là từ nước ngoài, làm cơ sở cho việc thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Trên bình diện chung của thế giới cũng như ở Việt Nam thường sử dụng hai gói hỗ trợ chủ yếu để khắc phục các tác động tiêu cực của đại dịch Covid - 19 : gói hỗ trợ an sinh xã hội (cho các đối tượng bị mất hoặc giảm việc làm, giảm mạnh thu nhập, các đối tượng nghèo, đối tượng yếu thế…), và gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất kinh doanh khác bị dừng, giảm sản xuất kinh doanh, hay bị phá sản. Tuy nhiên, mục tiêu, quy mô, phạm vi, đối tượng hỗ trợ của các nước cũng khác nhau. Có hai phương thưc hỗ trợ: hỗ trợ mang tính chất bình quân và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Một vấn đề đặt ra là sự tác động của đại dịch Covid đối với các loại doanh nghiệp là khác nhau, và vai trò của các loại doanh nghiệp đối với sự phục hồi và tái cấu trúc nền kinh tế “hậu Covid” cũng khác nhau; có những doanh nghiệp không hoặc ít có có hội phục hồi, hoặc phục hồi rồi nhưng tác động thúc đẩy đổi mới và phát triển “hậu Covid” kém, thì sự hỗ trợ từ phía nhà nước và các nguồn lực khác để phục hồi loại doanh nghiệp này theo hướng cũ là không hiệu quả; cần hỗ trợ cao hơn cho các loại doanh nghiệp có khả năng phục hồi và thúc đẩy cơ cấu lại - đổi mới sản xuất kinh doanh. Cần nhất quán quan điểm: tác động của đại dịch Covid còn là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế, hệ thống doanh nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn. Vì vậy, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng vai trò và tác động thực tế của các loại doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế hộ gia đình) trong từng lĩnh vực để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là việc giữ lại lao động và thị trường để tạo cơ sở cho bước phát triển “hậu Covid”.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động của đại dịch Covid - 19 đang đưa đến xu hướng cơ cấu lại đầu tư FDI, cơ cấu lại các chuỗi cung ứng toàn cầu (hay các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại, rút các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc), trong đó các điểm đến được kỳ vọng là Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, mà Việt Nam được cho là có những “ưu thế” nhất định. Cần phải có cách nhìn hết sức thực tế xu hướng này: không phải tất cả các chuỗi cung ứng sẽ rút ra khỏi Trung Quốc, vì tiếng gọi “lợi nhuận” từ một thị trường 1,4 tỷ người rất hấp dẫn, không phải tập đoàn, công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia nào cũng sẵn lòng nghe theo chính phủ “chính chủ” rút ra khỏi Trung Quốc, hơn nữa quá trình rút ra không thể diễn ra một sớm một chiều. Như vậy, xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng sẽ đa dạng. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu rất nghiêm túc, cụ thể về quá trình cơ cấu lại các chuỗi cung ứng toàn cẩu và làm rõ các cơ hội thực tế đối với Việt Nam. Trên thực tế, đầu tư FDI vào Việt Nam hiện nay về cơ bản và chủ yếu là ở khâu “gia công, lắp ráp” (dù sản xuất các sản phẩm công nghệ cao); hơn nữa các doanh nghiệp FDI ít có sự kết nối với các doanh nghiệp Việt, quá trình chuyển gia công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế; điểm yếu cơ bản là các doanh nghiệp Việt thường không phải là nhân tố chính tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, không thể đón nhận cơ hội dòng vốn FDI vào cùng với tiếp nhận các chuỗi cung ứng theo quan điểm và cách tiếp cận như cũ: các doanh nghiệp FDI chủ yếu là thuê đất và lao động gia công giá rẻ, mang lại giá trị gia tăng rất thấp cho Việt Nam, dù xuất khẩu lớn. Cũng không nên đặt vấn đề Việt Nam thay thế Trung Quốc làm “trung tâm công xưởng gia công láp ráp” của khu vực hay thế giới. Không thể biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, luôn mãi mãi đi sau, không làm chủ được công nghệ, nhất là các công nghệ hiện đại. Cần phải có cách tiếp cận theo xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng môi trường, điều kiện và chiến lược thu hút đầu tư FDI mới và tiếp nhận, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu với những bước đi thực tế và hiệu quả trong từng lĩnh vực, từng ngành, thậm chí từng sản phẩm.

Trong ngắn hạn, cần tập trung thực hiện các giải pháp chống dịch hiệu quả, bền vững; đồng thời từng bước mở cửa, phục hồi nền kinh tế thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công và phát triển thị trường nội địa. Song, trong các bước tiếp theo, cùng với xu thế cấu trúc lại nền kinh tế của thế giới, Việt Nam phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đa dạng hóa các thị trường quốc tế, không để phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác; đẩy mạnh phát triển tiềm lực kinh tế dân tộc, doanh nghiệp Việt, đẩy mạnh tham gia vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa (không thể để kéo dài tình trạng sự phát triển nền kinh tế của đất nước phụ thuộc quá lớn cả đầu vào, đầu ra vào thị trường bên ngoài), coi đây là một nền tảng - động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; kết nối có hiệu quả các doanh nghiệp Việt với các doanh nghiệp FDI, không thể để sự phát triển phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI (mà doanh nghiệp FDI lại ít gắn kết với doanh nghiệp Việt). Đồng thời, phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển thích ứng có hiệu quả với trạng thái bình thường mới “hậu Covid”.

(Hết)

 

PGS.TS Trần Quốc Toản

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

(Nguồn: hdll.vn)