Thông tin từ Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 30/12 cho biết Chương trình chào Năm mới 2021 sẽ diễn ra tại Làng từ ngày 31/12/2020 đến ngày 3/1/2021.

Tại Làng sẽ tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao cùng vui gặp gỡ, nhìn lại một năm đã qua và hân hoan đón chào năm mới 2021 tại “ngôi nhà chung” với chủ đề “Chợ phiên vùng cao chào Xuân 2021.”

Không gian chợ có sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Hà Nhì, Lự...

Đặc biệt, trong không gian này, đồng bào các dân tộc sẽ tái hiện nhiều lễ hội độc đáo, đậm bản sắc.

Đồng bào dân tộc Lự tỉnh Lai Châu sẽ tái hiện lễ hội Căm Mường, dâng lễ vật cầu khẩn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng phù hộ nhân dân trong bản no đủ, điều lành ở lại, điều dữ mang đi.

Lễ Căm Mường mang ý nghĩa tín ngưỡng, nên đồng bào Lự thực hiện rất long trọng và thành kính.

Trước khi diễn ra lễ hội, các gia đình phải làm hết việc đồng áng, nương rẫy. Mấy ngày lễ hội thì mọi người chỉ đi chơi, không lao động; các gia đình không mua các thứ từ ngoài đưa về nhà mà phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm ăn uống.

Dân tộc Lự thường cư trú dọc theo các con sông, khe suối với tập tục nhuộm răng đen. Đồng bào Lự đã biết canh tác lúa nước rất sớm, đời sống vật chất tương đối ổn định.

Vốn văn hóa tinh thần của dân tộc Lự rất phong phú đa dạng, còn giữ được những nét văn hóa riêng, mang đậm bản sắc dân tộc, đặc sắc và tiêu biểu nhất là Lễ Căm Mương.

Còn đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Điện Biên mang đến không gian chào năm mới 2021 chương trình tái hiện Tết Khù sự chà.

Nhóm Hà Nhì La Mí ăn Tết Khù sự chà vào ngày Thìn (con Rồng) cuối cùng của tháng cuối năm. Còn nhóm Hà Nhì Cồ Chồ sẽ ăn Tết sớm hơn khoảng 3 ngày, vào ngày Dần (con Hổ) của tháng đó.

Đồng bào Hà Nhì vui chơi đón Tết thường kéo dài ít nhất trong 3 ngày. Tết cổ truyền Khù sự chà tổ chức vào thời điểm khép lại một năm lao động sản xuất.

Đây là dịp để những người con đi xa trở về nhà sum họp, đoàn tụ bên gia đình, báo hiếu tiên tổ, các bậc sinh thành và vui chơi, thăm hỏi người thân, bạn bè.

Mọi người cùng chúc nhau những điều may mắn, tốt đẹp nhất, qua đó thêm thắt chặt tình đoàn kết bản làng...

Bên cạnh không gian chợ Xuân, còn có không gian trưng bày tranh “Phiên chợ ngày Xuân,” giới thiệu đến công chúng nhiều bức ảnh về vẻ đẹp của vùng đất, con người các địa phương Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn; một số ảnh không gian văn hóa đã tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật múa Khèn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn.

Các nghệ nhân sẽ trình diễn các tiết mục múa khèn đơn, khèn đôi; giới thiệu tỉ mỉ về cấu tạo và cách sử dụng khèn tới đồng bào, du khách, giúp mọi người cùng trải nghiệm, hòa cùng không khí niềm vui đón năm mới 2021...

Cùng với đó là phần giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống của các nhóm đồng bào dân tộc vùng cao. Đó là sắc màu thổ cẩm của nghề thêu và trang trí hoa văn trên vải của nhóm Dao đỏ tỉnh Bắc Kạn; thêu khăn piêu của các thiếu nữ dân tộc Thái tỉnh Sơn La hay nét đẹp của các nghề đan lát truyền thống của các dân tộc đến từ Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên.../.

Theo TTXVN

Theo http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/tai-hien-nhieu-le-hoi-doc-dao-nhan-dip-chao-nam-moi-2021-131433