Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT, cả 3 đoạn cao tốc nêu trên được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Để đảm bảo kinh phí đầu tư xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm sau này, Nhà nước sẽ thu phí các đoạn cao tốc trên. Tuy nhiên, hiện Quốc hội mới chỉ cho chủ trương để Chính phủ xây dựng phương án thu phí, việc xây dựng phương án và chờ Quốc hội thông qua phải mất thêm thời gian. Vì vậy, khi cả 3 đoạn cao tốc trên đưa vào khai thác sẽ tạm thời chưa thu phí xe cộ qua lại.
Thời điểm này, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thiện báo cáo phương án thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư để trình Quốc hội.
Tại điểm cuối đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đơn vị vận hành cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ đặt tạm 2 trụ thu phí cho dự án này. Khi đó, phương tiện khi di chuyển từ hướng Phan Thiết gần đến đoạn nút giao giữa 2 cao tốc sẽ qua trạm nhận diện thu phí không dừng.
Còn chiều ngược lại, phương tiện khi chạy từ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây rẽ vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ thanh toán bằng hình thức thu phí không dừng cũng tại vị trí trên.
Mức phí tùy thuộc vào loại xe và vị trí xuất phát từ các trạm trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Ở các nút giao lên xuống còn lại của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn bố trí nơi xây dựng các trạm thu phí nhưng chưa triển khai.
Sau khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45 (qua Ninh Bình - Thanh Hóa) cho phép tốc độ tối đa 80km/h; còn tuyến Phan Thiết - Dầu Giây được đi tới vận tốc 120km/h.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh đi cao tốc Long Thành khoảng 43km, thêm tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết 99km, tổng cộng khoảng 142km. Với tốc độ tối đa cho phép 120km/h, thời gian từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Phan Thiết chỉ còn từ 70’ đến chưa đầy 2h xe chạy./.
Tin, ảnh: KC
Nguồn: dangcongsan.vn