Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng 450 đại biểu, doanh nghiệp, đại diện sàn thương mại điện tử lớn.
Hình ảnh: Thái Bình đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong phân phối sản phẩm nông nghiệp số 1
Lễ ký kết các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ giữa 10 nhà cung cấp, nhà phân phối
Ngoài ra, Hội nghị còn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 18 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và 4 điểm cầu tại nước ngoài gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.
 
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, hiện nay, có nhiều sản phẩm tương đồng, do vậy muốn cạnh tranh cần phải tạo sự khác biệt, vượt trội. Vì vậy, tỉnh Thái Bình cần xác định kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp là quá trình lâu dài, thường xuyên, phải tận dụng mọi không gian, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng; trong đó phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi hiệu quả, cần được khai thác triệt để.
 
“Song hành cùng kênh phân phối truyền thống đã đi vào ổn định, thương mại điện tử hiện đã được các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp tại tỉnh nên lựa chọn từng bước triển khai đưa nông sản, đặc sản địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên tiêu thụ qua các kênh trực tuyến” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng dự báo thời gian tới, tình hình quốc tế có nhiều tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đòi hỏi tỉnh Thái Bình nói riêng và các ngành cần chủ động hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường để xây dựng chính sách.
Hình ảnh: Thái Bình đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong phân phối sản phẩm nông nghiệp số 2
Một số sản phẩm được trưng bày trong khuôn khổ hội nghị
Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ở thị trường trong nước và quốc tế theo hướng gắn xúc tiến đầu tư, xúc tiến xuất khẩu với xúc tiến nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất.
 
Theo  Sở Công Thương Thái Bình, hiện địa phương có 8.449 doanh nghiệp và 2.249 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động. Sản phẩm nông sản có thị trường tiêu thụ 40% nội tỉnh, còn lại phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
 
Đến nay, tỉnh Thái Bình có 64 sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao; 45 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; trong đó, có 3 sản phẩm cấp quốc gia, 5 sản phẩm cấp khu vực và 37 sản phẩm cấp tỉnh, tập trung ở các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và chế biến thực phẩm.
 
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu sau hội nghị này, Sở Công Thương Thái Bình tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, các nhà phân phối, các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các sàn thương mại điện tử tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại qua hình thức thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống.
 
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra Lễ khởi động chương trình đưa hàng nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Bình vào hệ thống phân phối; lễ ký kết các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ giữa 10 nhà cung cấp, nhà phân phối và ký kết hợp tác xúc tiến đưa các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình lên các sàn thương mại điện tử.
Tin, ảnh: A.N
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thai-binh-day-manh-ung-dung-thuong-mai-dien-tu-trong-phan-phoi-san-pham-nong-nghiep-620110.html