Theo đó, vào chiều 26/11, Thượng úy Phan Tuấn Thành, cảnh sát khu vực công an phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm), làm nhiệm vụ kiểm soát an ninh trật tự, phát hiện nhóm 15 người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, lạng lách, đánh võng tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông và mất an ninh trật tự. Thượng úy Thành sau đó bắt giữ được một thanh niên 17 tuổi trú tại quận Ba Đình.
Thấy vậy, Quốc Anh dùng dao đe dọa, yêu cầu Thượng úy Thành thả người. Khi thấy cán bộ công an kiên quyết xử lý, Quốc Anh lấy hung khí chém 2 nhát vào xe của vị cảnh sát. Vụ việc được một số người dân quay clip, đăng lên mạng xã hội.
Đối tượng Hoàng Quốc Anh tại cơ quan chức năng. (Ảnh: Công an Hà Nội) |
Một ngày sau, gia đình Quốc Anh đưa thanh niên này đến trụ sở công an đầu thú. Công an quận Bắc Từ Liêm đang mở rộng điều tra, xử lý những nghi phạm khác theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm, trong vụ việc này, trước tiên, Hoàng Quốc Anh và nhóm bạn sẽ bị xử phạt theo Điểm b Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị…
Bên cạnh đó, Quốc Anh còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ. Theo nguyên tắc, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, lực lượng đảm bảo an toàn giao thông và những người thi hành công vụ khác.
Tuy nhiên, Quốc Anh lại có hành vi chống đối khi sử dụng vũ lực, hung khí để đe dọa lực lượng chức năng, đập phá tài sản của người thi hành công vụ, là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nêu rõ người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Với vụ việc này, Quốc Anh chưa đủ 18 tuổi, do đó sẽ được áp dụng chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội, quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, Điều 91 có nêu tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa. Trong trường hợp xử phạt tù có thời hạn, tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Luật sư Nguyễn Văn Kỹ cho biết thêm, không chỉ ở các thành phố lớn, kinh tế phát triển mà nhiều địa phương khác trong cả nước đã xảy ra vụ việc tương tự nhưng mức độ xử lý, kỷ luật chưa đủ tính răn đe. Nhiều em còn chưa đủ điều kiện tham gia giao thông, kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ chưa tốt, cùng với đó còn tồn tại thực tế các bậc phụ huynh nuông chiều, không chủ động kiểm soát, quản lý con trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Do vậy, công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về giao thông cần được tăng cường hơn nữa, cùng với đó là nâng cao ý thức trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ, tất cả vì một xã hội văn minh, an toàn./.