Ngày 23/9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP nhằm phổ biến những quy định mới về chính sách thuế, quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; giải đáp các câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế và chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hội nghị thu hút hơn 350 đại diện của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tham dự.
 
Tại hội nghị, Ban Tổ chức tiếp nhận và giải đáp hơn 80 câu hỏi liên quan đến các vấn đề về miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành đối với thức ăn bổ sung thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản nhập khẩu; Thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm, chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi; Nộp giấy chứng nhận hợp quy để thông quan hàng hóa; Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Hình ảnh: Tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế, quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu số 1
Ban Tổ chức giải đáp thắc mắc về chính sách thuế cho các doanh nghiệp
Trả lời câu hỏi về chênh lệch trọng lượng hàng hóa so với kê khai ban đầu thì doanh nghiệp có được làm điều chỉnh tờ khai hải quan hay không? Đại diện lãnh đạo cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trường hợp này Công ty thực hiện thủ tục khai bổ sung theo quy định tại điểm a.6 khoản 2 Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BCT; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
 
Còn về câu hỏi khi doanh nghiệp nhập khẩu một số máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với hình thức trả chậm, có vài trường hợp là sau khi lắp đặt máy, đưa vào sử dụng một thời gian thì chất lượng của máy không đạt như thỏa thuận, nên nhà cung cấp đồng ý giảm giá. Vậy doanh nghiệp có được sửa tờ khai đã thông quan theo giá trị giảm trên phụ lục hợp đồng không?
 
Đại diện lãnh đạo cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho rằng: Trường hợp của công ty thực hiện đúng theo quy định tại Điều 15, Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 60/2018/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định về Trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thì được khai bổ sung theo quy định tại Khoản 9 điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
 
Đối với sản phẩm, chế phẩm sinh học dùng để xử lý chất thải chăn nuôi (vi sinh vật, enzyme) có được phép áp thuế GTGT 5% hay không? Đại diện lãnh đạo cục Hải quan TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Căn cứ Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mặt hàng “Chế phẩm sinh học dùng để xử lý chất thải chăn nuôi” nhập khẩu không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, không thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5%. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 thì mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 8. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính thì trường hợp hàng hoá được quy định cụ thể thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% hoặc 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định tại các văn bản đó; trừ hàng hoá là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản; thiết bị, dụng cụ y tế thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 4 Thông tư này. Như vậy, theo các quy định trên, mặt hàng “Chế phẩm sinh học dùng để xử lý chất thải chăn nuôi” nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 10%.
 
Về câu hỏi Nộp Giấy Chứng nhận hợp quy để thông quan hàng hóa thức ăn chăn nuôi, đại diện lãnh đạo cục Hải quan TP Hồ Chí Minh trả lời: Ngày 13/9/2022, Cục Giám sát quản lý về hải quan đã có công văn số 1320/GSQL-GQ1 gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai công văn số 536/CN-TACN về việc thực hiện quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tại Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13/7/2022 của Cục Chăn nuôi — Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy, kể từ ngày 13/7/2022, tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP nộp Giấy chứng nhận hợp quy cho lô hàng theo quy định trên (thay vì nộp “Thông báo Kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu” do cơ quan kiểm tra cấp qua theo quy định trước đây) cho cơ quan hải quan để làm thủ tục thông quan. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm Một cửa quốc gia hiện tại chưa thể sửa đổi ngay để đáp ứng được việc truyền file điện tử Giấy chứng nhận hợp quy tới hải quan. Do vậy, Hải quan cửa khẩu triển khai tiếp nhận Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức phù hợp để làm thủ tục thông quan cho lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số.
 
Thông qua hội nghị, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã cập nhật, hướng dẫn nhiều nội dung, chính sách mới đến các doanh nghiệp, đồng thời lắng nghe các ý kiến, đề xuất các giải pháp từ doanh nghiệp để góp phần thực hiện tốt chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp” và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh./.
Tin, ảnh: Chi Mai
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thao-go-kho-khan-ve-chinh-sach-thue-quan-ly-doi-voi-hang-hoa-xuat-nhap-khau-620306.html