Người tiêu dùng dễ dàng đặt mua hàng hóa qua các trang mạng điện tử. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Bài 1: Thương mại điện tử: Mặt trái của sự tiện lợi

Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô. Tuy nhiên, “sân chơi” lớn này đang bị lợi dụng khi các đối tượng kinh doanh hàng cấm, hàng giả… ngang nhiên hoạt động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng, thiệt hại cho những doanh nghiệp chân chính.

Do tính chất đặc thù của thương mại điện tử, như người mua và người bán không gặp mặt và chỉ liên lạc trên môi trường mạng, nên hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến. Thủ đoạn chung là sử dụng hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu nhưng với giá rẻ.

Sau đó, khi người tiêu dùng đồng ý mua thì các đối tượng tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản qua một bên thứ ba, thẻ cào viễn thông, thanh toán bằng mã QR), hoặc dùng dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để thu tiền, nhưng thực tế hàng hóa gửi đi lại là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc…

Thường có thói quen mua hàng trên các trang thương mại điện tử của nước ngoài, chị Phạm Thu Hiền (nhân viên văn phòng tại Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường mua hàng trên mạng, từ mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện thời trang… đều đặt hàng qua một đơn vị thứ ba. Sau khi chuyển tiền và chờ khoảng 20 ngày, hàng sẽ được chuyển về nước và ship tận nhà. Tuy nhiên, có một số lần tôi cũng mua phải sản phẩm không đúng như quảng cáo”.

Chị Hiền cho biết, mua hàng qua sàn thương mại điện tử thực sự tiện lợi, nhưng cũng thấp thỏm vì rủi ro gặp hàng giả, không biết chất lượng thế nào, đổi trả ra sao… Có lần chị mua mỹ phẩm, bên bán có chụp ảnh cho xem sản phẩm, giấy xuất xứ nguồn gốc, nhưng khi nhận hàng thì không có xuất xứ, bao bì khác hẳn so với ảnh họ chụp. Mặc dù rất không hài lòng, nhưng để kiện cáo, bảo vệ quyền lợi cho mình thì chị Hiền vẫn còn e ngại.

Không ít người đã “dở khóc, dở cười” khi mua hàng qua mạng như chị Hiền. Anh Đỗ Văn Hưng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) thường dựa vào tiêu chí đánh giá “5 sao” dưới sản phẩm để mua, bởi sản phẩm có nhiều sao thì sẽ là sản phẩm được đánh giá tốt. Anh Hưng kể, cách đây 2 tháng, anh có đặt một chiếc đồng hồ thời trang trên một trang bán hàng nổi tiếng của Mỹ để tặng bạn gái nhân dịp sinh nhật. Chiếc đồng hồ ấy có thiết kế khá ấn tượng với giá gần 4 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm nhận được rất nhiều lượt đánh giá tích cực nên anh rất tin tưởng đặt mua.

Sau gần 15 ngày chờ đợi, cuối cùng sản phẩm cũng đến tay. Bạn gái anh rất vui với món quà như ý. Nhưng sử dụng được hơn một tháng, chiếc đồng hồ liên tục trục trặc. Đem ra tiệm sửa đồng hồ, thợ cho hay bộ máy đã hỏng, không thể sửa, cũng chẳng có phụ tùng thay. “Người này còn nói đây là hàng Trung Quốc, giá chỉ khoảng mấy trăm một chiếc”, anh Hưng bực bội nói thêm.

Về khía cạnh doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Đối ngoại và truyền thông L’Oréal Việt Nam than phiền, doanh nghiệp đã phát hiện một số trang web rao bán các sản phẩm giả nhãn hiệu L’Oréal với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/sản phẩm, tức là chưa đến 1/10 so với giá hàng chính hãng. Không chỉ L’Oréal Việt Nam lâm vào tình trạng này, mà một số hãng khác như Chanel, Versace, Louis Vuitton... cũng đang phải đối mặt việc một số người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử bán sản phẩm nhái nhãn mác, thương hiệu giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.

Có thể thấy, thương mại điện tử đang là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng bán các loại hàng hóa kém chất lượng mặc dù các cơ quan quản lý luôn rốt ráo xử lý các vi phạm. Điển hình gần đây là vụ việc Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng An ninh công nghệ cao (Công an TP. Hà Nội) xử lý hoạt động kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Samsung tại Cầu Giấy (Hà Nội). Các đối tượng sử dụng website đăng địa chỉ ảo, người đứng tên mua website là một người, nhưng người thực sự sở hữu và sử dụng lại là một người khác. Quá trình hoạt động, đối tượng sử dụng rất nhiều website và được liên kết với nhau qua các đường link hiện trên giao diện của các website.

Trước đó, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục QLTT Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và Menshopfashion.com, đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…

Từ những câu chuyện trên, có thể thấy rằng, thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng đang đặt ra những thách thức cho các cơ quan quản lý, như công tác ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng…

Thùy Linh

Bài 2: Thương mại điện tử: Khung pháp lý còn nhiều bất cập

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Thuong-mai-dien-tu-San-choi-lon-dang-bi-loi-dung/415262.vgp