Tổng dư nợ đến ngày 30.9 đạt hơn 5,5 nghìn tỷ đồng (tăng 43 tỷ đồng so với quý II, tăng 457 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng là 9,02%). Theo đó, các chương trình tăng trưởng gồm cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, cho vay nhà ở xã hội... 

9 tháng qua, Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho 38.081 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Từ nguồn vốn vay ưu đãi tạo việc làm cho 6.164 lao động, giúp 13 lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ 844 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo hơn 18.600 công trình nước sạch, vệ sinh; xây dựng 232 nhà ở xã hội; giúp 7 doanh nghiệp vay vốn để tra lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất... 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá, 9 tháng qua, Đại diện HĐQT tỉnh, huyện và Ngân hàng CSXH tỉnh đã hoàn thành giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, quản lý an toàn nguồn vốn, giữ vững chất lượng tín dụng.

Tuy nhiên, hạn chế là toàn tỉnh phải dừng 65 phiên giao dịch ở các xã; nhiều Chủ tịch UBND xã chưa tham gia họp giao ban đều đặn hằng tháng tại điểm giao dịch xã. Công tác huy động tiền gửi tổ viên thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn ở các huyện miền núi chưa đạt yêu cầu đề ra. Đáng chú ý còn 5 huyện Nam Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My và Đông Giang) có tỷ lệ dư nợ đạt dưới 3%. 

Về nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu toàn thể ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam tham mưu UBND tỉnh, UBND cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách năm 2022 chuyển đến Ngân hàng CSXH Quảng Nam để tăng nguồn lực giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/tong-du-no-cho-vay-von-uu-dai-dat-hon-55-nghin-ty-dong-340367.html