Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế GTGT và TNCN

Ngày 01/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo Thông tư này, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. 

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho 1 người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.

Thông tư số 40/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 40/2021/TT-BTC.

Giá nước sạch sinh hoạt cao nhất là 18.000 đồng/m3

Ngày 18/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

Theo đó, khung giá nước sạch được quy định như sau: Đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có mức giá tối thiểu 3.500 đồng/m3, tối đa 18.000 đồng/m3. Đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 có mức từ 3.000-15.000 đồng/m3. Khu vực nông thôn có mức từ 2.000-11.000 đồng/m3.

Thông tư số 44/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 05/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 44/2021/TT-BTC.

Hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp

Ngày 23/06/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 46/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Theo Thông tư này, căn cứ danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp cổ phần hóa phải chủ động xử lý những tồn tại về tài chính theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ...

Đối với diện tích đất mà doanh nghiệp không được giữ lại tiếp tục sử dụng theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn đang theo dõi, sử dụng và chưa có kế hoạch thu hồi của cấp có thẩm quyền thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải báo cáo, thuyết minh làm cơ sở bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền khi chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Doanh nghiệp cổ phần hóa không thực hiện điều chỉnh số liệu trong sổ sách kế toán, báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và công bố.

Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì xử lý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.

Thông tư số 46/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 07/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 46/2021/TT-BTC

Hướng dẫn biểu mẫu báo cáo giải ngân hỗ trợ phát triển chính thức 

Ngày 28/06/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2021/TT-BTC hướng dẫn biểu mẫu báo cáo giải ngân hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Theo đó, về nguyên tắc thực hiện chế độ báo cáo, các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn nước ngoài trên cơ sở kế hoạch vốn nước ngoài được phân bổ theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn.

Các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình thực hiện giải ngân vốn nước ngoài phải đảm bảo đầy đủ nội dung, chính xác, trung thực, đúng thời hạn quy định tại Thông tư này. Nội dung báo cáo cần thuyết minh rõ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện giao kế hoạch, giải ngân vốn nước ngoài; đề xuất các biện pháp tháo gỡ có liên quan đến công tác quản lý, giải ngân vốn nước ngoài; đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...

Thông tư số 48/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 48/2021/TT-BTC.

Sửa đổi quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 30/06/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 50/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 14 Thông tư số 07/2020/TT-BTC ngày 03/02/2020 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Thông tư số 50/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 16/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 50/2021/TT-BTC.

Hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 51/2021/TT-BTC hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thông tư quy định nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài, đại diện giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài phải bảo đảm các giao dịch đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam và các giao dịch thực hiện bởi người có liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan không nhằm mục đích tạo ra cung, cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán và các hành vi giao dịch bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký tại nước ngoài thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp và quyết toán thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ liên quan đến hoạt động chứng khoán tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam...

Thông tư số 51/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 16/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 51/2021/TT-BTC.

Bãi bỏ các Thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

Ngày 06/07/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2021/TT-BTC bãi bỏ các Thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Theo Thông tư, bãi bỏ toàn bộ 08 Thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, cụ thể: Thông tư số 99/2015/TT-BTC ngày 29/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; Thông tư số 100/2015/TT-BTC ngày 29/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước; Thông tư số 211/2012/TT-BTC ngày 05/12/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Thông tư số 110/2007/TT-BTC ngày 12/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; Thông tư số 96/2012/TT-BTC ngày 08/6/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới; Thông tư số 119/2015/TT-BTC ngày 12/8/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 37/2016/TT-BTC ngày 29/02/2016 của Bộ Tài chính quy định lãi suất cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thông tư số 53/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 16/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 53/2021/TT-BTC.

Sửa đổi, bổ sung quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Ngày 06/07/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 54/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 35 Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước.

Thông tư số 54/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 54/2021/TT-BTC.

Hướng dẫn quản lý hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Ngày 08/07/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2021/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Theo Thông tư, việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP gồm: Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế; chi phí thù lao cho người định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản; chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản...

Thông tư số 55/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 55/2021/TT-BTC

Theo https://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/tong-hop-mot-so-chinh-sach-tai-chinh-co-hieu-luc-tu-thang-82021-338073.html