Tổng thống Mỹ tưởng niệm hơn 1 triệu người tử vong vì COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 11/5, Mỹ đã ghi nhận "dấu mốc buồn" hơn 1 triệu ca tử vong do COVID-19 sau khoảng 2 năm kể từ thời điểm thông báo trường hợp đầu tiên không qua khỏi vì căn bệnh này. Con số trên tương ứng cứ 327 người Mỹ lại có 1 người tử vong vì bệnh COVID-19.

Số người mất do đại dịch ở Mỹ nhiều hơn toàn bộ dân số của San Francisco hay Seattle. 

Các số liệu thống kê cho thấy trong số các bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi tại Mỹ có hơn 700.000 người trên 65 tuổi và tỉ lệ tử vong ở nam giới cao hơn nữ giới.

Nhật báo "The Boston Globe" mới đây đã công bố báo cáo cho biết cứ trong 4 ca tử vong vì COVID-19 thì có 3 ca là người trên 65 tuổi. Số bệnh nhân tử vong do COVID-19 từ 85 tuổi trở lên là khoảng 225.000 người, độ tuổi 75 đến 84 là 257.000 người và độ tuổi từ 65 đến 74 là 229.000 người.

Sự mất mát không thể thay thế

"Hôm nay, chúng ta đánh dấu một mốc bi thảm: Một triệu người Mỹ đã chết vì COVID-19. Một triệu chiếc ghế trống quanh bàn ăn. Mỗi mạng người là sự mất mát không thể thay thế", Nhà Trắng hôm 12/5 đăng thông điệp của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Tổng thống Biden thừa nhận rằng tổn thất trên tác động tới các gia đình bị bỏ lại phía sau. Ông kêu gọi cả nước nhanh chóng vượt qua nỗi đau mất mát này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đề phòng dịch bệnh và làm mọi điều có thể để cứu được càng nhiều sinh mạng càng tốt khi nước Mỹ đang có năng lực tiến hành xét nghiệm, tiêm phòng và điều trị ở mức cao hơn bao giờ hết.

Nhà Trắng cho biết trong khuôn khổ các hoạt động tưởng niệm, Tổng thống Biden chỉ thị treo cờ rủ. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội nước này chi thêm hàng tỷ USD cho hoạt động viện trợ COVID-19 nhằm tiếp tục phòng chống đại dịch trong bối cảnh đang có thêm nhiều biến thể mới xuất hiện.

Thêm hơn 3 tỷ USD ứng phó với đại dịch trên toàn cầu

  • Mỹ: Hơn nửa triệu ca tử vong do COVID-19

  • WHO: COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 14,9 triệu người trong năm 2020-2021

  • WHO kêu gọi các nước không xem nhẹ sự lây nhiễm của COVID-19

Ngày 12/5, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 2 về đại dịch COVID-19 diễn ra theo hình thức trực tuyến đã thu hút thêm những cam kết tài chính và chia sẻ công nghệ để cùng nỗ lực đẩy lùi đại dịch. Hội nghị do Mỹ đồng tổ chức với Đức, Belize, Indonesia và Senegal.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Biden đánh giá các chiến dịch tiêm phòng COVID-19 trên toàn cầu đã đạt được nhiều tiến bộ, việc bàn giao trang thiết bị y tế đến các quốc gia có nhu cầu cấp bách cũng đã tiến triển. 

Tuy nhiên ông cảnh báo đại dịch chưa qua đi và vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh tất cả các nước đều phải hành động nhiều hơn, trân trọng những điều đã mất đi trong đại dịch bằng cách nỗ lực hết sức để ngăn được càng nhiều ca tử vong vì COVID-19 càng tốt.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, hội nghị đã nhận được thêm những cam kết đóng góp tài chính cho cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19 có tổng giá trị hơn 3 tỷ USD, vượt xa các cam kết được đưa ra cho tới ngày 12/5. Trong đó, hơn 2 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các hoạt động ứng phó trực tiếp với COVID-19, 962 triệu USD đổ vào một quỹ của Ngân hàng thế giới (WB) để phục vụ công tác chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai và đảm bảo an ninh y tế toàn cầu. 

Mỹ cam kết đóng góp thêm 200 triệu USD cho quỹ này, nâng tổng mức cam kết đóng góp của Washington cho quỹ lên 450 triệu USD. Liên minh châu ÂU (EU) cho biết sẽ cung cấp 300 triệu euro để hỗ trợ các chiến dịch tiêm phòng, 450 triệu USD cho quỹ dự phòng y tế toàn cầu. Các tổ chức phi chính phủ, nhà hảo tâm và lĩnh vực tư nhân cam kết đóng góp hơn 700 triệu USD.

Cũng tại hội nghị, Tổng thống Mỹ khẳng định nước này sẽ chia sẻ các công nghệ được sử dụng để sản xuất các loại vaccine phòng COVID-19 thông qua WHO, đồng thời Washington đang nỗ lực để mở rộng xét nghiệm nhanh và điều trị kháng virus cho những cộng đồng dân cư khó tiếp cận. Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Biden nêu rõ Washington sẽ chia sẻ các công nghệ y học hiện do Chính phủ Mỹ sở hữu, bao gồm cả những gai protein đã được chỉnh sửa được dùng trong nhiều loại vaccine COVID-19.

Tính đến nay, Mỹ đã bàn giao hơn 500 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đây là một phần trong cam kết hỗ trợ 1,2 tỷ liều cho các nước mà nước này đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 lần thứ nhất vào tháng 9 năm ngoái. Bên cạnh đó, Washington cũng đã cam kết ủng hộ hơn 19 tỷ USD để hỗ trợ việc mua vaccine, dụng cụ xét nghiệm, chi trả cho các biện pháp điều trị và nhiều hình thức hỗ trợ khác.              


Theo https://baochinhphu.vn/tong-thong-my-tuong-niem-hon-1-trieu-nguoi-tu-vong-vi-covid-19-102220513172233865.htm