Hình ảnh: TPHCM: Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ đang tăng ở mức báo động. số 1
Ảnh: minh hoạ
Cảnh báo bệnh tay chân miệng đang gia tăng rất nhanh
Mới đây, theo thông  tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, bệnh tay chân miệng(TCM) đang gia tăng rất nhanh. Theo bản phân tích số liệu ghi nhận bệnh TCM theo tuần cho thấy, bệnh bắt đầu tăng từ tuần 10, đến tuần 11 bệnh tăng rất mạnh, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước. Có 21/24 quận huyện trên địa bàn thành phố tăng ở mức báo động, đặc biệt là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10,  11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ chi,  Hóc Môn và khu vực II, III thành phố Thủ Đức.
Thời điểm, tháng 3, tháng 4 là thời gian ca mắc bệnh TCM thường tăng cao khi trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ Tết.  Để kiểm soát tình hình dịch bệnh tay chân miệng, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học.
Các trường hợp cần đặc biệt lưu ý việc theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Phụ huynh khi có con mắc bệnh hãy chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học.
Hình ảnh: TPHCM: Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ đang tăng ở mức báo động. số 2
Ảnh: minh hoạ
Trước tình hình dịch bệnh TCM gia tăng báo động, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh Tay chân miệng hàng tuần tại các quận huyện có số ca báo động. Các Trung tâm Y tế quận huyện thực hiện theo các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) về điều tra xử lý, giám sát bệnh Tay chân miệng và tăng cường phối hợp với ngành giáo dục để giám sát phát hiện sớm các ca bệnh trong trường học, đặc biệt lưu ý các ca bệnh điều trị tại nhà. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, các Trung tâm sẽ triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhân.
Hình ảnh: TPHCM: Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ đang tăng ở mức báo động. số 3
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em, cách phòng và điều trị
Bệnh Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 – 5 và từ tháng 8 – 9 hằng năm. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi…Để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như: sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật…Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời. Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường tự khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày.
Chế độ ăn uống: tránh cho trẻ ăn đồ chua, thức ăn mặn hoặc cay. Đồng thời nên tránh những thực phẩm cần nhai nhiều. Đổi sang dùng thức ăn mềm nhẹ trong vài ngày và khuyến khích trẻ uống thật nhiều nước. Nên dùng đồ uống nguội mát, sữa chua, các món tráng miệng, bánh pudding. Cho trẻ súc miệng bằng nước sạch sau mỗi bữa ăn,
Điều trị tại nhà: theo hướng giảm triệu chứng sốt, đau miệng và đau họng. Không chỉ định thuốc kháng sinh cho bệnh nhiễm vi-rút này.Thuốc Ibuprofen và Paracetamol có thể sử dụng khi trẻ sốt hơn 38°C. Hiện chưa có Vaccine phòng ngừa BTCM./.
Nguyễn Sơn