Tại phiên họp thường kỳ đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội 7 tháng, triển khai nhiệm vụ tháng 8 năm 2022 diễn ra sáng 4/8, UBND TPHCM cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố tháng 7 tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,3%).
Hình ảnh: TPHCM: Bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng hơn 12% số 1
Một số sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực
Điểm sáng tăng trưởng công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2022 là sự tăng trưởng của 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,1%). Trong đó, ngành hóa dược tăng 22,7%; ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 18,8%; ngành cơ khí tăng 3%.
 
Theo ghi nhận, một số sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp sản xuất đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Tuy nhiên, ngành sản xuất hàng điện tử giảm 4,3% (cùng kỳ tăng 7,3%), chủ yếu do giảm sản lượng mặt hàng điện tử dân dụng, thiết bị dây dẫn. Song các doanh nghiệp đang có xu hướng thay đổi công nghệ và tập trung sản xuất các mặt hàng mới, có giá trị cao.
 
3 ngành công nghiệp truyền thống tăng 8,4% so với cùng kỳ, trong đó, sản xuất trang phục tăng 16,1%; ngành dệt tăng 16,3%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 4,1%.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao đã kéo theo chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 năm 2022 tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 51,4% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh như: In, sao chép bản ghi các loại tăng 42,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 41,7%; sản xuất đồ uống tăng 34,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 25,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,4%; sản xuất trang phục tăng 15%.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TPHCM, nhìn chung trong 7 tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực kinh tế có mức phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, tạo tâm lý tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

NT

Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/tphcm-bon-nganh-cong-nghiep-trong-yeu-tang-hon-12-10222080416181382.htm