Hình ảnh: Tri ân bằng những việc làm thiết thực số 1
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam thăm hỏi, tặng quà thương binh nặng tỉnh Hà Nam ngày 12/7/2022. Ảnh: nguonluc.com.vn
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn trong Di chúc: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
 
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đến nay, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với đất nước. Trong suốt 75 năm qua hoạt động tri ân thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được tiếp nối, nhân lên thành văn hóa tri ân.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2022, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được toàn quân triển khai rộng khắp, với nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực như: Toàn quân đã xây dựng 1.769 Nhà tình nghĩa với số tiền gần 142 tỷ đồng; Phụng dưỡng 2.879 mẹ Việt Nam anh hùng, hiện nay còn sống 1.489 mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó Bộ Quốc phòng ủy quyền phụng dưỡng 631 mẹ, các đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương phụng dưỡng 858 mẹ. Bộ Quốc phòng tặng áo lụa, tặng quà đối với 1.489 mẹ Việt Nam anh hùng đơn vị Quân đội đang phụng dưỡng với số tiền hơn 4 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, toàn quân khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 12.966 lượt đối tượng chính sách, số tiền hơn 4,5 tỷ đồng; tham gia tôn tạo công trình ghi công liệt sỹ với 20.879 ngày công, số tiền hơn 2,7 tỷ đồng; đỡ đầu, giải quyết việc làm cho 121 trường hợp là con thương binh, thân nhân liệt sỹ và đối tượng chính sách.
 
Bộ Quốc phòng hỗ trợ 05 trung tâm, tặng quân phục cho 829 thương binh, bệnh binh nặng đang nuôi dưỡng tại các trung tâm với số tiền hơn 4.146 tỷ đồng; đồng thời đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng 1.385 kỷ niệm Chương “Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội”. Quân ủy Trung ương gặp mặt 150 đại biểu người có công, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đang công tác trong Quân đội. Tổ chức dâng hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại 16 nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc; thăm, tặng quà 31 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, người có công trên phạm vi toàn quốc.
 
Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (HCLS) luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia 515; của cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo 515 các địa phương và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quân đội; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và sự giúp đỡ nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân. Do đó, 6 tháng đầu năm 2022, hơn 900 HCLS đã được tìm kiếm, quy tập. Các Đội tìm kiếm quy tập HCLS qua nhiều năm thực hiện nhiệm vụ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm; trang bị phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm quy tập HCLS được đảm bảo đầy đủ, quản lý, sử dụng có hiệu quả; chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ tìm kiếm quy tập HCLS được bổ sung, hoàn thiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
Đặc biệt, để làm tốt hơn nữa công tác chính sách, Cục Chính sách/Tổng Cục chính trị đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và hoàn thiện để sớm tham mưu Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
 
Với những hoạt động tích cực, hiệu quả nêu trên, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội đã lan tỏa rộng khắp góp phần tô đậm nét đẹp văn hóa Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc ta./.
Đại tá Đặng Danh Hưng
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tri-an-bang-nhung-viec-lam-thiet-thuc-616077.html