Một đối tượng trong nhóm cán bộ xã Khai Sơn làm việc tại cơ quan chức năng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. (Nguồn: tienphong.vn) 

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về những vụ việc liên quan đến một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đoàn thể tại địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực hiện giải pháp hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như mưa bão, lũ lụt đã bất chấp quy định pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cấu kết, thông đồng thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản trái phép của tổ chức, cá nhân. Trước những vụ việc này, dư luận bày tỏ sự quan tâm, bất bình, mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Trong số nhiều ý kiến phản ánh đến Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bạn đọc N.H.H, địa chỉ tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, vừa qua, người dân sinh sống trên địa bàn xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn đã phát hiện có nhiều khuất tất trong chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại mưa lũ cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là quá trình chi trả xuất hiện nhiều vấn đề bất thường. Người dân phát hiện số thực nhận ít hơn số tiền thực tế được duyệt theo danh sách nên đã phản ánh tới cơ quan chức năng. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã tiến hành bắt giữ 4 cán bộ xã Khai Sơn liên quan đến vụ việc.

 Ngay khi tiếp nhận thông tin, tiến hành điều tra, xác minh làm rõ, trên cơ sở kết luận điều tra, tối 19/10, Công an huyện Anh Sơn đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nhóm đối tượng này về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc cơ quan chức năng ngay khi phát hiện những biểu hiện, hành vi lợi dụng ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để trục lợi, chiếm đoạt tài sản từ cán bộ, công chức, viên chức … tại một số tổ chức, đoàn thể là rất kịp thời, thực sự cần thiết. Hành vi này có thể xem xét xử lý với tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, ở đây là gây hậu quả nghiêm trọng về việc chiếm đoạt tài sản để trục lợi cá nhân; đặc biệt là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, tổ chức, cơ quan đoàn thể trong thực thi nhiệm vụ.

 Theo đó, hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nếu đủ căn cứ để xử lý, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức phạt tiền cao nhất lên tới 100 triệu đồng; mức xử lý trách nhiệm hình sự cao nhất lên tới 20 năm tù (điều 357, mục 1, chương XXIII, Bộ luật hình sự 2017). Theo đó:

 Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

 4. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 Trong khi đó, đối với hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khi đủ căn cứ truy cứu hình sự thì đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức phạt cao nhất lên tới 12 năm tù (điều 360, mục 2, chương XXIII, Bộ luật hình sự 2017). Cụ thể như sau:

 Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

 1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

 a) Làm chết người;

 b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Làm chết 02 người;

 b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

 c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

 a) Làm chết 03 người trở lên;

 b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

 c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.

TQ
Theo https://dangcongsan.vn/ban-doc/luat-su-cua-ban/truc-loi-tien-ho-tro-bao-lu-doi-dien-muc-an-nao-594613.html