Vĩnh Phúc: kết nối hợp tác với Nhật Bản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan gặp gỡ các đối tác, nhà đầu tư Nhật Bản - Ảnh: VP

Nắm bắt cơ hội để chuyển sang giai đoạn phát triển mới

Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan cho biết, trong tiến trình phát triển, tỉnh luôn xem các địa phương và doanh nghiệp (DN) Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, trụ cột trong chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh. Vĩnh Phúc đã thiết lập và có lịch sử 27 năm mối quan hệ hợp tác với các địa phương ở Nhật Bản từ năm 1995.

Tập đoàn Toyota và Tập đoàn Honda Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc đã góp phần thiết lập nền móng vững chắc và phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản. Từ hợp tác về kinh tế cho đến nay phạm vi hợp tác đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng phát triển tốt đẹp.

Các dự án đầu tư trực tiếp (FDI) và các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc những năm qua đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, là nền tảng xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản.

Đến hết tháng 5/2022 trên địa bàn tỉnh đã có 435 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,33 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản có 58 dự án, tổng vốn đăng ký là 1,62 tỷ USD. Nhật Bản luôn đứng đầu về tỉ lệ và số vốn thực hiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào ngân sách tỉnh.

Bà Hoàng Thị Thuý Lan khẳng định, Vĩnh Phúc luôn quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về các chính sách hỗ trợ, thu hút cho các DN nói chung, DN Nhật Bản nói riêng đầu tư tại tỉnh.

Bên cạnh quá trình phòng, chống dịch bệnh, địa phương đã và đang hết sức nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; quy hoạch, phát triển các khu đô thị, dịch vụ, du lịch; giải quyết kịp thời kiến nghị, tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn thủ tục hành chính cho các DN, đặc biệt là với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tỉnh luôn tiếp thu các ý kiến phản hồi, cùng đối thoại để hoàn thiện hơn nữa năng lực và hệ thống quản lý đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, đặc biệt là các yêu cầu và điều kiện quy hoạch, hạ tầng giao thông kỹ thuật, chính sách và cơ chế thu hút đầu tư, nguồn lao động chất lượng cao…

"Với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương; sự hợp tác, đồng hành của cộng đồng DN... Vĩnh Phúc sẽ nắm bắt được cơ hội để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới và trở thành điểm đến đầu tư kinh doanh và sinh sống lý tưởng tại Việt Nam và khu vực", bà Hoàng Thị Thuý Lan kỳ vọng. 

Vĩnh Phúc: kết nối hợp tác với Nhật Bản, thúc đẩy tăng trưởng bền vững - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, cùng với ông Nakajima Takeo - Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc và JETRO - Ảnh: VP

Coi thành công của DN là thành công của tỉnh

Tại hội nghị, nhiều DN Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, nhất là trong bối cảnh 2 năm chịu tác động của dịch COVID-19.

Đại diện Tập đoàn Sumitomo – nhà đầu tư dự án KCN Thăng Long-Vĩnh Phúc nêu 3 lý do lựa chọn Vĩnh Phúc, bao gồm: Vĩnh Phúc là địa phương có môi trường "xanh" làm cho nhà đầu tư Nhật Bản khi đến đây luôn cảm thấy dễ chịu và gợi nhớ về quê hương Nhật Bản; vị trí địa lý của Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, với hệ thống giao thông phát triển, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của Việt Nam; cơ sở hạ tầng hoàn thiện và sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh cũng là yếu tố quan trọng khiến DN quyết định lựa chọn Vĩnh Phúc để đầu tư.

Còn ông Keisuke Tokunaga, Giám đốc Khối bán hàng và dịch vụ, Công ty Toyota Việt Nam, cho hay, DN đã đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 1996. Từ đó đến nay, DN luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, từ các hoạt động như khảo sát môi trường đầu tư, đến hỗ trợ giải phóng mặt bằng, triển khai dự án đầu tư…

TIN LIÊN QUAN
  • Vĩnh Phúc và sự trở lại không ngẫu nhiên trên đường đua xếp hạng PCI

    Vĩnh Phúc và sự trở lại không ngẫu nhiên trên đường đua xếp hạng PCI

  • Vĩnh Phúc cấp bách chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19

    Vĩnh Phúc cấp bách chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19

Đặc biệt, trong 2 năm chịu tác động của dịch COVID-19 (2020-2021), tỉnh Vĩnh Phúc đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN thông qua việc triển khai nhanh chóng việc tiêm phòng dịch và có những biện pháp hiệu quả giúp DN vượt qua khó khăn và kinh doanh một cách suôn sẻ tại Việt Nam.

Ông Mihara Daiki, Tổng giám đốc Honda Việt Nam cũng cho biết, Honda Việt Nam đầu tư tại Việt Nam vào năm 1996. Trong thời gian đầu tư tại Việt Nam, DN luôn nhận được sự đồng hành của tỉnh, giúp DN tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực thi các chính sách về thủ tục hành chính, thuế, giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục khác.

"Đó là một phần lý do DN luôn nỗ lực hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, cũng như Việt Nam", ông Mihara Daiki khẳng định.

Ông Tomikazu Fukuda, Thống đốc tỉnh Tochigi của Nhật Bản đánh giá cao sự hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh Vĩnh Phúc đối với các DN Nhật Bản nói chung, các DN đến từ Tochigi nói riêng. Trong những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của Việt Nam. Nhiều DN Nhật Bản đã chọn Vĩnh Phúc là bến đỗ tin cậy để đầu tư.

Dưới góc độ quản lý, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét: Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thuận lợi, dân số trẻ với 55% nguồn lao động đã qua đào tạo, Vĩnh Phúc còn hấp dẫn nhà đầu tư bởi là một địa phương luôn đi đầu trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc triển khai dự án đến suốt quá trình hoạt động của dự án. Đó là những yếu tố rất quan trọng, giúp Vĩnh Phúc luôn hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và DN Nhật Bản nói riêng.

Về tiềm năng hợp đầu tư thời gian tới, ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ: Vĩnh Phúc có gần 8.000 DN đang hoạt động, trong đó 20% DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Có 64% DN đã từng và đang liên kết với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Vĩnh Phúc cũng được đánh giá là một trong số ít các địa phương trên cả nước xây dựng được chuỗi cung ứng sản phẩm hoàn chỉnh trong các lĩnh vực ô tô, xe máy và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đa dạng. Đây là những cơ hội rất quan trọng để địa phương thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung và vốn từ Nhật Bản nói riêng trong thời gian tới.

"Vĩnh Phúc không hạn chế bất cứ một ngành nghề nào đầu tư đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, địa phương không khuyến khích những dự án gây ô nhiễm môi trường và ưu tiên thu hút đầu tư vào nhóm ngành chế biến thực phẩm và nông sản", ông Nguyễn Văn Độ nhấn mạnh.

Còn ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh sẽ xây dựng những cơ chế thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, như phát triển 19 khu công nghiệp, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch năng lượng để phục vụ đầu tư, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển công nghiệp trong vòng 10-20 năm tới,

"Tỉnh Vĩnh Phúc vẫn nhất quán với quan điểm coi nhà đầu tư là người bạn đồng hành của tỉnh, từ đó tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để DN hoạt động", ông Lê Duy Thành khẳng định.

Không chỉ các DN lớn, đại diện Sumitomo cho biết, rất nhiều DN nhỏ của Nhật Bản là đối tác của Sumitomo đang đặt trụ sở nhà máy tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại địa phương, nhất là những hỗ trợ của tỉnh trong đợt dịch COVID-19 vừa qua. Đặc biệt, các DN cảm nhận được quan điểm lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, đó là, luôn coi DN là "người bạn đồng hành" của tỉnh, cộng với những chính sách hỗ trợ tích cực đã giúp DN luôn cảm thấy yên tâm khi đầu tư tại địa phương. Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã cùng với ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc và JETRO.

Huy Thắng


Theo https://baochinhphu.vn/vinh-phuc-ket-noi-hop-tac-voi-nhat-ban-thuc-day-tang-truong-ben-vung-102220623194346048.htm