Xu hướng tích hợp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo cho thấy, xu hướng tích hợp dịch vụ tài chính ngày càng tăng lên trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, diễn ra đầu tiên từ các nước phát triển (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản), đặc biệt kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, thể hiện dưới các hình thức như: Bảo hiểm liên kết ngân hàng (Bancassurance); Ngân hàng đa năng toàn cầu…

Xu hướng này giúp các trung gian tài chính có được lợi ích về mặt kinh tế, đa dạng hóa danh mục, tăng cường doanh thu và tăng lợi ích cho người tiêu dùng; tuy nhiên, cũng gây không ít thách thức, khó khăn cho doanh nghiệp và các bên liên quan trong hệ thống tài chính (xung đột lợi ích, rủi ro lan truyền, khó khăn trong quản lý tài chính…)

Xu hướng số hóa đã tạo cơ hội thay đổi diện mạo của ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán; đồng thời, giúp giảm chi phí vận hành; nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, số hóa cũng mang lại những thách thức  không nhỏ trong phát triển dịch vụ tài chính do khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ nên vẫn chưa tạo thuận lợi để hệ thống tài chính, ngân hàng thích ứng với bối cảnh số hóa.

Việt Nam cũng không ngoại lệ khi xu hướng này rõ nét hơn từ năm 2000 với quá trình tự do hóa và mở cửa thị trường, thể hiện chủ yếu qua tích hợp ngân hàng-bảo hiểm (Bancassurance); tích hợp chứng khoán - ngân hàng.

Để các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm phát triển theo xu hướng tích hợp, các chuyên gia khuyến nghị cần: Xây dựng hành lang quản lý có lộ trình để thực hiện tích hợp; Lựa chọn mô hình quản lý DN phù hợp để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng; Đổi mới cơ cấu tổ chức theo hướng thành lập một cơ quan giám sát rủi ro hợp nhất; tăng cường các quy định về giám sát hợp nhất; Nghiên cứu, thiết kế sản phẩm phù hợp để tích hợp các tính năng trong cùng một sản phẩm, chú trọng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tích hợp công nghệ số hóa hiện đại đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và nền kinh tế.

Xanh hóa dịch vụ tài chính, ngân hàng

Trong bối cảnh mới, phát triển tài chính xanh là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, phát triển tài chính xanh gặp 3 thách thức lớn: Khung pháp lý và hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý đối với dịch vụ tài chính, ngân hàng xanh vẫn chưa đầy đủ (tiêu chí, tiêu chuẩn, thang đo), các ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn khi thực hiện tín dụng xanh; Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin tín dụng; Thiếu nguồn lực đào tạo, nguồn nhân lực để thẩm định các dự án tín dụng xanh

Qua thảo luận, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất một số kiến nghị như: Ban hành các hướng dẫn về hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh và các tiêu chí đánh giá ngân hàng xanh (các quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, mô hình triển khai; tỷ trọng vốn tín dụng cần ưu tiên hỗ trợ trong danh mục dự án xanh); Xây dựng, ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng để khuyến khích phát triển ngân hàng xanh; Tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền về phát triển dịch vụ tài chính – ngân hàng xanh...

Cơ hội và thách thức phát triển hệ sinh thái tài chính số

Xu hướng số hóa đã tạo cơ hội thay đổi diện mạo của ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán; đồng thời, giúp giảm chi phí vận hành; nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, số hóa cũng mang lại những thách thức không nhỏ trong phát triển dịch vụ tài chính do khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ, còn khiếm khuyết hoặc chồng chéo nên vẫn chưa tạo thuận lợi để hệ thống tài chính, ngân hàng thích ứng với bối cảnh số hóa. Cùng với đó là các thách thức đối với cơ quan quản lý giám sát; thách thức trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo mật thông tin khách hàng…

Nhận diện các cơ hội và thách thức nêu trên, các chuyên gia tại Hội thảo đã đề xuất 5 giải pháp trọng tâm để số hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm như: Hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp lý cho phát triển dịch vụ tài chính số, hệ sinh thái tài chính số; Bổ sung các quy định hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các quy định liên quan đến bảo mật; Hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước đối với công nghệ tài chính số; Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ giao dịch thương mại, tài chính; Đào tạo kỹ năng để thích ứng với số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Ngoài ra, hội thảo cũng đã bàn luận đến các vấn đề lý thuyết, bài học kinh nghiệm và nghiên cứu thực nghiệm về điều kiện, thực trạng và kết quả phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng,bảo hiểm.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động từ đại dịch COVID-19, Hội thảo “Phát triển dịch vụ Tài chính-Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới” là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý và các học giả cung cấp những nghiên cứu, trao đổi, nhằm hiến kế, góp phần phát triển thị trường tài chính, ngân hàng, bảo hiểm ổn định, hiệu quả, bền vững, đáp ứng sự phát triển ngày càng cao của kinh tế - xã hội đất nước, hướng tới sự hình thành của cơ cấu kinh tế hiện đại.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì điều hành của PGS., TS. Lê Thị Kim Nhung - Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Thương mại và TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính. 

Với hơn 300 đại biểu tham dự đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, Hội thảo đã tập trung bổ sung, làm rõ các vấn đề về “Phát triển dịch vụ Tài chính–Ngân hàng - Bảo hiểm trong bối cảnh mới” ở 3 khía cạnh của bối cảnh mới gồm: Tích hợp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Xanh hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng; và Số hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Theo https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/xu-huong-tich-hop-xanh-hoa-va-so-hoa-cac-dich-vu-tai-chinh-ngan-hang-bao-hiem-340091.html