Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia vào sáng 30/12/2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia vào sáng 30/12/2020.

Đây là trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia, sáng 30/12 tại Hà Nội. Đây là hội nghị chuyển đổi số quốc gia của bộ, ngành đầu tiên trên cả nước thực hiện theo Quyết định phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương nỗ lực của ngành y tế, đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông trong những năm qua để ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý điều hành, phòng bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân. Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia đặt dấu mốc quan trọng, tạo thêm động lực và làm rõ hơn định hướng, giải pháp để ngành y tế tiếp tục thực hiện thành công chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh qua hội nghị hôm nay có thể thấy của ngành y tế đã đạt được những kết quả bước đầu rõ hơn nhưng những thách thức, chặng đường phía trước còn rất dài và không ít khó khăn nhưng nếu tiếp tục cách làm sáng tạo, tập trung, đồng bộ thì chúng ta có lòng tin đạt được mục tiêu đề ra.

Với sự tham dự của lãnh đạo các địa phương, sở y tế, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng lưu ý một số điểm lớn liên quan đến chuyển đổi số của ngành y tế thời gian tới.

Chuyển đổi số phải từ bài toán thực tiễn

Theo Phó Thủ tướng, để tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải quyết tâm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin(CNTT) trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Trước hết là phục vụ minh bạch hóa, đảm bảo trách nhiệm giải trình của tất cả cơ sở y tế, tiến tới giải trình của từng nhân viên y tế đối với người bệnh, và toàn xã hội. Quan trọng hơn là cần quán triệt, nhận thức rõ hơn CNTT là công cụ không thể thiếu, hết sức hữu hiệu trong phòng bệnh, khám chữa bệnh.

“Phải có cơ chế để giải quyết các chi phí dành cho ứng dụng CNTT (máy móc, phần mềm, tập huấn) giống như những trang thiết bị, máy móc, vật tư tiêu hao cho khám chữa bệnh”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh những khó khăn của một nước có mức thu nhập trung bình thấp, tỷ lệ bảo hiểm y tế bao phủ trên 90% nhưng mệnh giá rất thấp, tỷ lệ ngân sách dành cho y tế dù cao nhưng số tuyệt đối vẫn còn nhỏ, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cũng có những thế mạnh như quy mô dân số lớn, có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương bởi “chuyển đổi số không đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm thì phải được chỉ đạo rất đồng bộ, kiên quyết, thống nhất”.

Lấy ví dụ từ việc triển khai nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cách làm sáng tạo của Việt Nam thay vì làm từ trên xuống, từ những chỗ khó, bức xúc nhất thì làm đồng bộ trên quy mô toàn quốc, từ dưới lên. “Chúng ta có một cộng đồng CNTT rất sáng tạo và có lòng tin là có thể làm được nếu có các bài toán cụ thể”.

Quan trọng nhất trong chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết phải rất thiết thực từ những bài toán thực tiễn. Trước hết là phục vụ công tác quản lý, điều hành của ngành y tế về nguồn lực cán bộ nhân viên y tế, thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men… của từng khoa, phòng trong các bệnh viện, cơ sở y tế…

Từ câu chuyện có những bệnh viện lớn có hàng chục nhà thầu, hàng trăm phần mềm, hàng nghìn máy tính… nhưng không minh bạch được toàn bộ hoạt động, thậm chí ở các tuyến y tế bên dưới cũng vậy, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế, các sở y tế cho đến bệnh viện cần xác định rõ yêu cầu quản lý, quản trị để ra đầu bài. Từ đó, các doanh nghiệp lớn ngồi lại với nhau, kết hợp, thống nhất xây dựng nền tảng quản lý thống nhất, mở ra cho các doanh nghiệp CNTT khác cùng tham gia phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn từ các trạm y tế cơ sở lên đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, Trung ương.

“Chuyển đổi số luôn gắn với thay đổi cách làm, minh bạch hóa nên có rất nhiều sức cản ở chính bên trong. Khi chúng ta đã xác định được đầu bài, nhiệm vụ phải làm, giải pháp, nền tảng chung thì phải triển khai đồng bộ bằng mệnh lệnh hành chính, không theo kiểu nơi nào thuận lợi thì làm trước mà tất cả phải cùng làm”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng đây là bài học rất lớn được rút ra và ngành y tế bằng thực tiễn vừa qua là một minh chứng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các vị đại biểu khai trương ba nền tảng y tế: Mạng kết nối y tế Việt Nam, Nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 và Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử.

Phải trả lời câu hỏi người dân cần gì?

Để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn trong điều kiện kinh phí, nguồn lực ít hơn nhiều so với các nước, Phó Thủ tướng cho rằng phải từ những việc rất chi tiết, cụ thể để trả lời câu hỏi: Người dân cần gì?

Phó Thủ tướng đặt đề bài cho ngành y tế phải làm sao để gần hết các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, ở mọi đối tượng, mọi tình trạng khác nhau đều có thể được tư vấn tự động, tự phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe bản thân.

Người dân cũng cần thuận tiện hơn trong xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh, được tư vấn trực tiếp hoặc khám từ xa trực tuyến, qua mạng với bác sĩ phù hợp, thời gian phù hợp, nhất là từ năm 2021 sẽ thực hiện liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây sẽ là giải pháp giảm tải bệnh viện hiệu quả cần được đẩy mạnh. Cùng với hệ thống khám chữa bệnh, tư vấn trực tuyến từ xa, để mọi người dân khi có bệnh thì qua hệ thống đều được biết bác sĩ, cơ sở y tế đến khám là phù hợp.

“Làm sao để cho người dân tin, đừng như xưa vì không tin nên mới phải lên bệnh viện tuyến trên cùng, và chỉ bằng công nghệ chúng ta mới có thể làm được”, Phó Thủ tướng nói.

Đề cập đến mong ước được quản lý, chăm sóc sức khỏe bởi một nhóm bác sĩ, nhân viên y tế của người dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có thể làm được điều này bằng cách lập hồ sơ sức khỏe điện tử và ứng dụng CNTT. Cùng với đó, chúng ta phải sửa đổi chính sách thanh toán bảo hiểm y tế cho hoạt động thăm khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc.

Ngoài câu chuyện được khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ, người dân cũng cần được tư vấn và mua thuốc với sự đảm bảo chất lượng, xuất xứ, minh bạch về giá. “Giá cả và tỷ lệ thuốc giả, kém chất lượng ở Việt Nam hiện thấp nhất ASEAN. Chúng ta cần đẩy mạnh kết nối hệ thống nhà thuốc trên toàn quốc, tư vấn, kê thuốc theo đơn thuận lợi”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với những căn bệnh mới về tâm lý, sức khỏe tâm thần, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng không chỉ đơn giản là điều trị y tế mà cần sự kết hợp với nhiều chuyên ngành, cơ chế, chính sách khác thì mới có thể cải thiện sức khỏe cho người dân.

Từ những vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong chuyển đổi số ngành y tế, có những khâu, những việc phải làm từ dưới lên, hoặc cả từ trên xuống nhưng điều quan trọng nhất là yêu cầu tự đổi mới, bước qua lợi ích cục bộ của mỗi đơn vị, thậm chí từng cá nhân, “vì thế tư duy chỉ đạo là gương mẫu từ trên xuống”.

“Bên cạnh chú trọng vào khám chữa bệnh, phòng bệnh, ngành y tế cần đổi mới công tác quản lý. Những bài học, kết quả, tiến bộ gần đây cùng với kế thừa còn là sự thay đổi cách làm, quyết tâm cao hơn từ Bộ Y tế, các cục, vụ, lan tỏa xuống bên dưới, gắn với đó là sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông… Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các bộ ngành, địa phương để đẩy nhanh chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng nói.

“Chỉ có chuyển đổi số, chúng ta mới đi nhanh hơn, đất nước mới phát triển nhanh hơn được. Nếu cứ từ từ, chúng ta mãi mãi không bao giờ đuổi kịp các nước đi trước”.

Y tế phải gương mẫu trong phòng chống dịch bệnh

Tại hội nghị, với sự tham gia của lãnh đạo UBND, sở y tế các tỉnh, thành phố, một lần nữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay, đặc biệt đối với lực lượng y tế cơ sở. “Cùng với quân đội, công an, lực lượng y tế phải có trách nhiệm cao nhất trong việc giữ an toàn cho cả nước trước dịch bệnh”.

Nhắc lại bài học Đà Nẵng, trường hợp bệnh nhân số 1342 ở TPHCM hay những ca bệnh mới nhập cảnh trái phép từ nước ngoài mới đây, Phó Thủ tướng cho rằng hiện nay càng không thể nơi lỏng trong phòng chống dịch, phải thực hiện rất nghiêm ngặt tất cả các quy định.

“Các đồng chí lãnh đạo địa phương, giám đốc sở y tế phải có trách nhiệm. Đây là mệnh lệnh, là trách nhiệm của chúng ta không chỉ với sức khỏe nhân dân mà còn là đà phát triển, uy tín của đất nước. Lực lượng y tế phải gương mẫu đi đầu trong phòng chống dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu tất cả các cơ sở y tế, từ trạm y tế, phòng khám tư nhân đến các bệnh viện phải tự đánh giá thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn). Đặc biệt, công an, y tế cơ sở phải nằm được đầy đủ những người hết thời gian cách ly tập trung, đang cách ly, theo dõi, giám sát y tế tại nhà; ít nhất mỗi ngày một lần gọi điện thoại, nhắn tin để nắm được tình trạng sức khỏe, việc tuân thủ các quy định cách ly tại nhà của những người này.

Y tế số đặt bệnh nhân ở vị trí trung tâm, bệnh nhân là khách hàng

Cũng trong Hội nghị chuyển đổi số y tế quốc gia, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, y tế số, sử dụng công nghệ số là chính và đặt bệnh nhân ở vị trí trung tâm, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Bệnh nhân trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế trở thành tài sản lớn nhất. Với những thay đổi đột phá ấy, y tế số có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số trong giáo dục và y tế là hai lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2020. “Vì đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất, là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển”. Do vậy, chuyển đổi số trong hai lĩnh vực này sẽ phát huy hiệu quả lớn nhất

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng CNTT, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Đột phá ở chỗ, nó đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới. Đột phá ở chỗ, nó thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống. Đột phá ở chỗ, càng nhiều người dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên, công nghệ càng phát triển. Đột phá ở chỗ, việc dám thay đổi và áp dụng mô hình mới quyết định hơn việc phát triển công nghệ. Đột phá ở chỗ, các nước đi sau thì ứng dụng mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và vì vậy thành người đi trước. Đột phá ở chỗ, nó làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, nhưng với giá rất rẻ. Đột phá ở chỗ, mỗi người, mỗi doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, và vì thế thúc đẩy tất cả mọi người sáng tạo, kinh doanh. Đột phá ở chỗ, nó không bắt buộc chúng ta phải đi qua giai đoạn bắt kịp, rồi đến tiến cùng và sau đó mới là vượt lên, mà có thể đi đầu ngay từ đầu và qua đó mà bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đột phá ở chỗ, thay vì làm dần dần, làm từng phần, từng bước thì có thể làm ngay, làm toàn diện, đặt mục tiêu cao và làm nhanh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Chuyển đổi số y tế, hay y tế số, là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử, nhưng có tính đột phá. Y tế điện tử thì sử dụng CNTT và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, như bệnh viện, nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ. Y tế số thì dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ. Y tế vốn do nhà nước đầu tư là chính thì nay sẽ có thêm nguồn lực là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế, riêng quý 3/2020 thì vốn đổ vào đây đã gần 7 tỷ USD.

Giải quyết bài toán quá tải của ngành y

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 8 bác sĩ trên một vạn dân. Nhưng chỉ bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở một xã của Ninh Bình đã có thể tiếp cận được hàng ngàn bác sĩ giỏi trên toàn quốc để tư vấn 24/24h. “Đây có phải cách để chúng ta giải quyết một phần vấn đề thiếu bác sĩ, nhất là ở vùng sâu vùng xa không?” Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Quá tải bệnh viện tuyến trên cũng là vấn đề kéo dài của ngành Y tế. Tuyến trên quá tải, bệnh nhân đi xa tốn kém, đầu tư của nhà nước cho tuyến dưới không hiệu quả. Vừa qua, 1.000 bệnh viện tuyến dưới đã được kết nối với các bệnh viện Trung ương. Qua đó, các bác sĩ tuyến trên đã có thể chuẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn mổ từ xa. Bà con đã không phải tập trung về Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác.

Nền tảng số góp phần tạo ra mô hình bác sĩ gia đình kiểu mới

Theo người đứng đầu ngành TT&TT, chúng ta có hàng trăm ngàn bác sĩ, nếu có thể kết nối họ với các hộ gia đình, mỗi bác sĩ 200-300 hộ, thì mỗi hộ gia đình đều có thể kết nối với bác sĩ của mình, có thể tư vấn khám bệnh từ xa, và như vậy, sẽ dần tiến tới mô hình bác sĩ gia đình kiểu mới.

Kết nối hàng trăm ngàn bác sĩ tới hơn 25 triệu hộ gia đình thì phải sử dụng nền tảng công nghệ số. Mô hình hoạt động ở đây là, nền tảng chỉ cung cấp dịch vụ kết nối và quản lý, không cung cấp dịch vụ tư vấn khám bệnh. Các bác sĩ mới là người cung cấp và chịu trách nhiệm về dịch vụ tư vấn khám bệnh. Nền tảng tạo ra công cụ, giúp hàng ngàn bác sĩ có thể kết nối để tận dụng thời gian, tri thức và kinh nghiệm của mình cho việc tư vấn người bệnh.

Dữ liệu trở thành tài sản quý giá của ngành y

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, nếu như dữ liệu khám bệnh mấy chục năm qua của bệnh nhân được lưu trữ, được phân tích thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ mỗi lần thăm khám, rất hữu hiệu trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tư vấn cho người bệnh trong sinh hoạt, giữ gìn sức khoẻ. Như vậy, chuyển đổi số y tế sẽ góp phần hình thành con người số y học của mỗi chúng ta. Trên những con người số y học này, việc khám chữa bệnh, dự báo trước, quản lý y tế quốc gia, chăm sóc y tế cá nhân hoá ... sẽ có thay đổi căn bản. Những giá trị mới mà nó mang lại sẽ là vô cùng to lớn cho người dân.

Chuyển đổi số sẽ sáng tạo ra các tài sản vô hình. Tài sản vô hình thì vô hạn. Tài sản vô hình càng dùng càng sinh ra và càng dùng càng rẻ đi. Càng dùng thì càng thúc đẩy sinh ra những tài sản mới, giá trị mới. Đối với các quốc gia phát triển, tài sản vô hình đồng vai trò chính yếu. Đối với Việt Nam chúng ta, khi các nguồn lực vật chất còn rất hạn chế, việc phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình để phát triển nhanh và bền vững đất nước sẽ là con đường đúng nhất, thậm chí là duy nhất. Chuyển đổi số y tế mà chúng ta đang làm là hướng đi vô cùng tích cực để phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình trong lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Bộ Y tế hãy giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Việt Nam có một lực lượng các DN công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế, Bộ trưởng tin tưởng.

Đỗ Quyên
Theo https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/chinh-phu-so/y-te-so-tao-ra-mo-hinh-bac-si-gia-dinh-kieu-moi-du-lieu-tro-thanh-tai-san-quy-cua-nganh-y/20201230094038490