Một số nội dung được pháp luật chứng khoán, pháp luật đầu tư điều chỉnh liên quan đến SHNN tại CTĐC
Các thuật ngữ liên quan đến SHNN tại các CTĐC được quy định rải rác ở các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể, tại khoản 6, Điều 2 Thông tư 123/2015/TT-BTC1 quy định, nhà ĐTNN tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) “là cá nhân có quốc tịch nước ngoài; tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài và thực hiện đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”. Về tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN, tại Khoản 17, Điều 3 của Luật Đầu tư quy định “Tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN là tổ chức kinh tế có nhà ĐTNN là thành viên hoặc cổ đông”. Về tỷ lệ SHNN, tại Khoản 1, Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP2 quy định “Tỷ lệ SHNN là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả nhà ĐTNN và tổ chức kinh tế có nhà ĐTNN nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên trong một CTĐC”.
Đối với trách nhiệm của CTĐC, Khoản 2 Điều 11 Thông tư 123/2015/TT-BTC quy định, CTĐC có trách nhiệm xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh và tỷ lệ SHNN tối đa tại công ty. Danh mục về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tỷ lệ SHNN đối với từng ngành, nghề đầu tư kinh doanh (nếu có) thực hiện theo Điều ước quốc tế, quy định pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Về nguyên tắc xác định tỷ lệ SHNN tại CTĐC được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP, cụ thể:
(1) CTĐC không bị hạn chế về tỷ lệ SHNN (trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác) nếu không thuộc các trường hợp (2), (3), (4) sau:
(2) Tuân thủ tỷ lệ SHNN theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (nếu có);
(3) Trường hợp CTĐC hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ SHNN thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó. Trường hợp chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ SHNN thì tỷ lệ SHNN tối đa là 49%;
(4) Trường hợp CTĐC hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ SHNN, thì tỷ lệ SHNN không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định về tỷ lệ SHNN.
Như vậy, theo pháp luật chứng khoán, đối với các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, CTĐC phải tuân thủ quy định về tỷ lệ SHNN theo thứ tự ưu tiên: (1) cam kết quốc tế => (2) pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể tỷ lệ SHNN (như đối với lĩnh vực ngân hàng) => (3) pháp luật chứng khoán (với tỷ lệ tối đa 49% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty nếu không thuộc các trường hợp 1 và 2 nêu trên). Tỷ lệ SHNN tại CTĐC được áp theo mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định về tỷ lệ SHNN nếu CTĐC hoạt động nhiều ngành nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ SHNN.
Các nguyên tắc có liên quan tới việc áp dụng các cam kết quốc tế
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật Điều ước Quốc tế: “Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác”.
Điều ước quốc tế được ký kết trong khuôn khổ đa phương, song phương, khu vực và toàn cầu. Do vậy, nhà đầu tư ở quốc gia, khu vực khác nhau sẽ có thể có ưu đãi khác nhau khi thực hiện đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nói cách khác, đối tượng của từng điều ước quốc tế được phân biệt theo quốc tịch, theo khu vực… Về nguyên tắc, điều ước quốc tế phải được ưu tiên áp dụng so với pháp luật trong nước.
Trên cơ sở xem xét quy định của pháp luật về chứng khoán và nguyên tắc thực hiện điều ước quốc tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện điều ước quốc tế liên quan tới việc xác định tỷ lệ SHNN của CTĐC, một số vấn đề sau đây có thể phát sinh:
Một là, vấn đề xác định tỷ lệ SHNN
Nhà ĐTNN trở thành cổ đông của CTĐC thông qua (1) giao dịch mua cổ phiếu được niêm yết/giao dịch trên TTCK; (2) tham gia mua cổ phần của CTĐC trong đợt phát hành; (3) nhận chuyển nhượng cổ phần của CTĐC từ các cổ đông khác và (4) các hình thức khác theo quy định pháp luật (như được thừa kế, tặng, cho…). Trong đó, để thực hiện giao dịch mua - bán cổ phiếu niêm yết/giao dịch trên TTCK, nhà ĐTNN phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán.
Đối với CTĐC có cổ phiếu niêm yết/giao dịch trên thị trường có tổ chức phải thực hiện thông báo tỷ lệ tối đa nhà ĐTNN được sở hữu khi có thay đổi và đăng ký chốt tỷ lệ sở hữu này với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và Sở Giao dịch Chứng khoán nơi cổ phiếu của CTNY/giao dịch. Trên cơ sở đăng ký tỷ lệ SHNN của CTĐC, nhà ĐTNN chỉ được giao dịch - mua bán không vượt quá tỷ lệ đó. Đối với việc nhận chuyển nhượng hoặc tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu của CTĐC, pháp luật chứng khoán không quy định việc nhà ĐTNN có nghĩa vụ chứng minh thuộc quốc gia ký kết hoặc là thành viên của điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia.
Như vậy, các CTĐC nói chung (bao gồm công ty có cổ phiếu niêm yết/giao dịch trên TTCK và các công ty chưa niêm yết/giao dịch cổ phiếu) sẽ không thể biết và không có khả năng để kiểm soát được nhà đầu tư mang quốc tịch nước nào sẽ mua/giao dịch cổ phiếu để trở thành cổ đông của công ty. Hệ quả của quy định pháp luật sẽ phát sinh các tình huống sau:
Tình huống thứ nhất, nếu doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh thuộc trường hợp có sự khác biệt giữa các cam kết quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu thì việc xác định cam kết quốc tế phải tuân thủ để xác định tỷ lệ SHNN hiện chưa được hướng dẫn cụ thể, gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước.
Tình huống thứ hai, nếu cùng hoạt động trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư và có cam kết quốc tế (nhưng không có quy định về tỷ lệ sở hữu), nhà ĐTNN chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần của một CTĐC (Khoản 2, điều 1, Nghị định 60/2015/NĐ-CP), tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với loại hình doanh nghiệp khác (như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần không đại chúng).
Có thể thấy, các trường hợp trên nếu thực hiện, sẽ dẫn đến sự khác biệt giữa các CTĐC và công ty không đại chúng trong việc thực hiện một số cam kết quốc tế, ảnh hưởng tới tính hiệu lực của điều ước quốc tế.
Hai là, một số vấn đề trong thực hiện văn bản hướng dẫn điều ước quốc tế
Để triển khai thực hiện, nội dung của các điều ước quốc tế cần được hướng dẫn chi tiết bởi văn bản quy phạm pháp luật (nội luật hóa). Tuy nhiên, hiện có những văn bản quy phạm pháp luật khi hướng dẫn chưa đảm bảo chi tiết nội dung cần hướng dẫn, hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung khi có thay đổi văn bản pháp lý liên quan. Có thể dẫn chứng trường hợp cụ thể như sau:
Để triển khai thực hiện các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan tới một số hoạt động thương mại, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 34/2013/TT-BCT ngày 24/12/2013 công bố lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam. Tại văn bản này có quy định hạn chế doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Việt Nam không được thực hiện quyền phân phối dược phẩm: gồm các mặt hàng thuốc theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Luật Dược số 34/2005/QH11(Phụ lục 3 về Danh mục hàng hóa không được thực hiện quyền phân phối).
Căn cứ theo quy định trên, doanh nghiệp có vốn ĐTNN theo cam kết WTO sẽ bị hạn chế, không được thực hiện quyền phân phối các sản phẩm, thành phẩm, nguyên liệu thuộc mặt hàng dược liệu được quy định tại Luật Dược 2005. Tuy nhiên, Luật Dược đã được sửa đổi năm 2013 và 2016, theo đó, khái niệm về “Dược” theo Luật Dược 2005 có thay đổi. Liên quan tới việc xác định tỷ lệ SHNN tại CTĐC hoạt động trong ngành Dược sẽ áp dụng theo nội hàm của “Dược” theo Luật Dược 2016 hay vẫn xác định theo nội hàm của “Dược” theo Luật Dược 2005? Điều này hẳn sẽ gây khó khăn cho CTĐC có kinh doanh dược phẩm và cơ quan quản lý nhà nước khi xác định tỷ lệ SHNN tại doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, để đảm bảo sự đồng bộ chính sách, pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định liên quan tới hoạt động của nhà ĐTNN trên TTCK nói chung và xác định tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN tại CTĐC nói riêng thì trong quá trình xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), việc rà soát, đánh giá mức độ phù hợp quy định pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế theo tiêu chí cụ thể, rõ ràng để từ đó có những giải pháp hạn chế các bất cập đang phát sinh, tránh những xung đột giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế cần được cơ quan soạn thảo coi trọng.
Theo Tapchitaichinh.vn