Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê đã công bố các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2020. Trong bối cảnh kinh tế toàn thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh hoành hành từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng dương 2,12% là nỗ lực không nhỏ, trong đó đáng chú ý là các con số xuất nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 388, 7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, với dấu ấn hơn 202 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 71, 83 tỷ USD, tăng mạnh hơn 20%, chiếm 35,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 131 tỷ USD, chiếm 64,6%. Nhập khẩu ở mức 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ.
Cán cân thương mại đã đạt mức xuất siêu kỷ lục lớn nhất từ trước tới nay, lên tới hơn 16,99 tỷ USD, gấp 1,5 lần so với cả năm trước.
Cán cân thương mại 10 năm qua
Ở Việt Nam, nhập siêu đã kéo dài liên tục từ những năm 1990. Trong suốt quá trình phát triển kinh tế kéo dài hơn 20 năm, Việt Nam chỉ xuất siêu vào năm 1992 và sau đó chuỗi xuất siêu bắt đầu từ 2012 tới nay.
10 năm trước năm 2010, Việt Nam nhập siêu 12,4 tỷ USD. Cho tới năm 2012, đánh dấu năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa, với mức 780 triệu USD. Sau đó là chuỗi những năm xuất siêu, bắt đầu chỉ từ 2015 là năm nhập siêu trở lại.
Xuất khẩu nhiều hơn trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Từ 2016 tới nay, cán cân thương mại đều nghiêng hẳn về xuất khẩu với mức tăng ngày càng lớn, thậm chí tăng vài lần qua các năm.
Xuất siêu là điều đáng mừng bởi sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh Việt Nam đang cần giữ ổn định giá trị đồng nội tệ và có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19, nhưng cũng là nỗi lo khi xét về cơ cấu hàng nhập khẩu, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất giảm so với cùng kỳ nhất là vải, thép, nguyên phụ liệu may, da giày.
Cân đối các động lực phát triển
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, việc sụt giảm nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị thời gian qua có 2 nguyên nhân: Thứ nhất là do các nguồn nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều bị tác động bởi dịch COVID-19, làm gãy chuỗi cung ứng; Thứ hai là hiện nay các thị trường xuất khẩu đều chưa có tín hiệu tích cực trở lại, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn thế giới hầu hết là các gam trầm, nỗ lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam rất đáng ghi nhận. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Có thể nói, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất là trạng thái của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay. Do vậy, đây là lúc Chính phủ phải có những giải pháp cấp bách nuôi dưỡng những nhà sản xuất trong nước để có nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, nội lực tốt.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn thế giới hầu hết là các gam trầm, nỗ lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam rất đáng ghi nhận. Việt Nam có những thuận lợi khi có các hiệp định thương mại tự do, thị trường rộng mở hơn, chính vì vậy con số xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt là nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp, cả hệ thống để tích lũy tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ báo tăng trưởng hay suy giảm từ con số xuất nhập khẩu từ số liệu kỷ lục của xuất siêu cũng hết sức quan trọng để Việt Nam có sự điều chỉnh linh hoạt đảm bảo sự tăng trưởng bền vững hơn cho những bước đường tiếp theo.