Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, ông Andrew Jeffries cho rằng Việt Nam đã ghi dấu ấn với toàn thế giới ngay từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 mặc dù biến thể Delta cũng đã gây ra một số tác động nghiêm trọng.
Giám đốc quốc gia ADB bày tỏ ấn tượng đặc biệt với tỉ lệ bao phủ vaccine cao tại quốc gia với 100 triệu dân như Việt Nam. Việt Nam đã vươn lên là một trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Một số quốc gia vùng Scandinavia hay Singapore cũng có tỉ lệ tiêm chủng rất cao, tuy nhiên đây là các nước nhỏ với dân số ít hơn Việt Nam rất nhiều.
Bên cạnh đó, ông Andrew Jeffries đánh giá cao cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, đặc biệt với mục tiêu trung hòa phát thải carbon vào năm 2050 và loại bỏ điện than vào năm 2040.
Những cam kết này không chỉ đơn thuần thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu mà còn góp phần nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam vì ngày càng có nhiều người tiêu dùng trên thế giới xem xét kỹ lưỡng lượng khí thải carbon trong các sản phẩm họ mua.
Thêm vào đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài theo đuổi các cam kết về khí hậu và muốn đầu tư vào những nơi mà họ có khả năng tiếp cận với năng lượng sạch và các dịch vụ carbon thấp hơn. Đây có thể là một yếu tố giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 6,5% trong năm 2022 và đạt mức cao hơn trong năm 2023
Theo ông Andrew Jeffries, nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2022 ghi nhận tăng trưởng ở mức 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ trong các năm trước đại dịch và là mức tăng trưởng khá tốt so với hầu hết các quốc gia khác.
Do đó, mức tăng trưởng chậm lại của Việt Nam vào năm 2021 (gần 2,6%) thật sự không quá quan ngại. Đặc biệt, trong năm 2021, Chính phủ đã đề ra các quyết sách quan trọng và bắt đầu thực hiện từ tháng 6, trong đó có chương trình tiêm chủng diễn ra tích cực, nhanh chóng.
Chính những quyết sách này đã giúp Việt Nam trở nên kiên cường hơn nhiều để chống chọi với làn sóng đại dịch mới cũng như thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp tiếp cận linh hoạt hơn để ngăn chặn đại dịch. Đây được coi là động lực chính cho sự tăng trưởng nhanh hơn và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong năm nay.
Việc tiếp tục duy trì các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại và xuất khẩu, đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Bên cạnh đó, du lịch trong nước đang phục hồi cùng với việc mở cửa cho du lịch quốc tế cũng lan tỏa tác động tích cực cho phát triển kinh tế trong năm 2022.
Theo dự báo của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2022 và đạt mức cao hơn với 6,7% vào năm 2023 trong trường hợp kinh tế toàn cầu không có sự thay đổi đột ngột.
Ngành sản xuất tăng trưởng cao trong quý I/2022 phần lớn nhờ xuất khẩu. Do đó, sự bất ổn diễn ra trên thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đang thực hiện chặt công tác chống COVID-19 nên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến giá dầu cao có thể làm chậm lại việc phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu. Vì thế, là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam cũng rất dễ bị ảnh hưởng bới những yếu tố từ bên ngoài này.
Nhưng, theo ông Andrew Jeffries, sự đa dạng trong quan hệ đối tác kinh tế của Việt Nam với tất cả các quốc gia trên thế giới từ châu Âu, châu Mỹ, đến Trung Quốc… cho thấy quan hệ thương mại chậm lại ở một số khu vực trên thế giới có thể được bù đắp bằng sự tăng trưởng trong quan hệ thương mại ở các khu vực khác và Việt Nam có thể tận dụng lợi thế trong khía cạnh này.
Nhằm đối phó với các thách thức trong thời gian tới, ông Andrew Jeffries cho rằng các biện pháp mà Chính phủ đề ra trong ngắn hạn đều hợp lý và hiệu quả để phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã được Quốc hội thông qua vào tháng 1, cung cấp nhiều hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ cho người dân, doanh nghiệp nhằm giảm thiểu thiệt hại trung hạn, dài hạn đối với nền kinh tế và phục hồi nền kinh tế nhanh hơn.
Ngoài ra còn có một số chiến lược trung hạn mà Việt Nam đang thực hiện như chuyển đổi số là rất cần thiết. Chiến lược này không chỉ nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mà còn giúp chống chọi lại những cú sốc kinh tế khi mà nhiều dịch vụ hơn được số hóa. Do đó, về lâu dài, Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các cuộc suy thoái lớn.
Việt Nam là quốc gia dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai như bão và lũ lụt.
Ông Andrew Jeffries khẳng định tất cả các chương trình, chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ, chương trình khôi phục và phát triển kinh tế ngắn hạn và khát vọng dài hạn của Việt Nam với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 đang đi đúng hướng.
Trong những tháng tiếp theo của năm 2022, Việt Nam cần duy trì chương trình tiêm chủng bao phủ và thực hiện thêm mũi tiêm nhắc lại.
Ngoài ra, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam với nguồn tài chính xanh có ưu đãi để Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh, đồng thời xây dựng môi trường thuận lợi thúc đẩy đầu tư tư nhân và khuyến khích loại hình đầu tư tư nhân phù hợp cho phục hồi và tăng trưởng trong trung hạn.