Từ nguồn vốn Agribank, những vườn cao su xanh tốt trên cao nguyên đất đỏ mang đến cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Ảnh minh họa |
Không chỉ tiếp sức giúp các hộ dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, các chi nhánh thuộc Agribank Kon Tum còn giúp bà con chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thành hộ tiểu thương có thu nhập cao.
Một hộ nông dân khác thay vì quanh năm chỉ trồng lúa như trước, đã vay vốn để mở tiệm tạp hóa kết hợp với thu mua nông sản của bà con, nhờ vậy, thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2021, hộ này tiếp tục vay vốn Agribank để mở rộng cơ sở.
Thấu hiểu tâm lý e ngại khi làm dự án, hồ sơ, thủ tục vay vốn của bà con, đội ngũ cán bộ tín dụng chi nhánh Agribank Đăk Glei - Kon Tum thường xuyên bám cơ sở, tận tình giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp bà con tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn tín dụng để phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo. Có xã cách trung tâm huyện tới 50-60 km, đường đồi núi đi lại gian nan vất vả, các cán bộ tín dụng vẫn không quản ngại khó khăn hằng tuần sắp xếp thời gian đến gặp gỡ và tư vấn cho các khách hàng - đặc biệt là khách hàng người đồng bào dân tộc.
“Theo thói quen, người dân địa phương lâu nay thường chỉ sử dụng vốn tự có của gia đình do tích lũy và khi đầu tư thì thường không bảo đảm nhu cầu về vốn. Khi đồng bào đến ngân hàng vay vốn, được cán bộ tư vấn kỹ hơn về cách thức vay và trả lãi, về điều kiện lãi suất trả nợ để họ hiểu sâu hơn về vay vốn, từ đó làm ăn hiệu quả hơn”, lãnh đạo Agribank Kon Tum cho hay.
Để khắc phục khó khăn, Agribank Kon Tum nói chung và Agribank chi nhánh Đăk Glei nói riêng đã chú trọng phối hợp cùng các đoàn thể chính trị xã hội để đưa nguồn vốn đến với bà con nông dân thông qua kênh ủy thác như: Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ. Việc cho vay qua tổ, nhóm đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt những khách hàng vùng sâu vùng xa, vừa phát triển kinh tế địa phương vừa góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen. Nguồn vốn Agribank đã góp phần quan trọng vào kết quả giảm nghèo của nhiều xã vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh, thậm chí có xã được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới bởi kết quả giảm nghèo bền vững, như xã Đăk Kroong- Đăk Glei - Kon Tum.
Ông A Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei chia sẻ, hiện nay, từ nguồn vốn Agribank, bà con chuyển đổi trồng cây cà phê, cao su, cây ăn trái. Cán bộ tín dụng Ngân hàng ở huyện thường xuyên hướng dẫn, tư vấn cho các hộ dân về mục đích sử dụng vốn vay rồi hướng dẫn các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, giảm bớt việc đi lại của người dân, đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị thuộc Agribank chi nhánh Kon Tum đã chú trọng giúp các tổ hợp tác, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, tăng thu nhập.
Theo lãnh đạo Agribank, thực hiện tốt vai trò là cầu nối, đưa chính sách phát triển kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng vào cuộc sống, Agribank Kon Tum đã và đang thực hiện có hiệu quả việc giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xây dựng nhiều mô hình lao động, sản xuất giỏi.
Những giải pháp mà Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai trong vay vốn nông nghiệp nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao đời sống của bà con nghèo vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có gần 3.600 khách hàng dân tộc thiểu số vay vốn tại Agribank Kon Tum với dư nợ gần 396 tỷ đồng.
Anh Minh