Chị Lê Thị Nga (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay qua Hội Phụ nữ xã |
Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều chương trình chính sách tín dụng, như cho vay theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo; cho vay xây dựng nông thôn mới; cho vay gia súc, gia cầm; cho vay tái canh cà phê; cho vay theo chính sách phát triển thủy sản; tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”…
Trong nỗ lực chuyển tải vốn và dịch vụ đến người dân, mô hình tổ vay vốn của Agribank luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc vấn nạn “tín dụng đen” ở nông thôn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VII (khóa X) của Đảng và Nghị định 55 của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank đã ký kết thỏa thuận liên ngành với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Đến ngày 30/9/2021, số lượng tổ vay vốn qua hội phụ nữ không ngừng được mở rộng, lên 10.964 tổ, dư nợ tăng trưởng từ 13.161 tỷ đồng của năm 2016 đã tăng lên 25.185 tỷ đồng của năm 2020, chiếm trên 14% dư nợ cho vay qua tổ nhóm toàn hệ thống, tăng trưởng bình quân 21%/năm. Bình quân dư nợ trên 1 thành viên là 109 triệu đồng; bình quân dư nợ trên 1 tổ vay vốn đạt 2.297 triệu đồng.
Điều này đã thể hiện được sự quan tâm và nhận thức của chị em đã từng bước cải thiện, không còn gói gọn trong vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Chị em đã mạnh dạn tiếp cận vốn vay ngân hàng để tổ chức sản xuất, tạo thêm nguồn thu cho gia đình, qua đó, khẳng định sự độc lập của bản thân và vai trò của mình trong gia đình, xã hội. Nhiều chị em có hoàn cảnh nghèo khó được hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống, góp phần khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, tình yêu thương và sự đùm bọc sẻ chia lẫn nhau.
Công tác phối hợp giữa hội phụ nữ các cấp cơ sở và ngân hàng nơi cho vay đã giúp chất lượng tín dụng qua tổ nhóm, đặc biệt là qua hội phụ nữ, được nâng cao. Hoạt động của tổ vay vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả, chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp (dưới 1%).
Một số tổ vay vốn hoạt động có hiệu quả điển hình về tăng trưởng dư nợ tốt, tỷ lệ nợ xấu 0%, như tổ vay vốn xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên, Lào Cai), tổ vay vốn thôn Ninh Động (xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang), tổ vay vốn thôn Cây Xy (xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), tổ vay vốn xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên).
Các mô hình cho vay qua tổ vay vốn với sự phối hợp của hội phụ nữ đã tạo nên những hiệu quả nhất định về mặt chính trị, kinh tế-xã hội. Thông qua việc phối hợp quản lý các khoản vay giữa cán bộ ngân hàng với các tổ trưởng tổ vay vốn, ngân hàng nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến sự an toàn của khoản vay, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, các rủi ro ảnh hưởng đến khoản vay.
Với mạng lưới hoạt động rộng khắp, các tổ vay vốn đến từng xã, cũng như sự kết hợp có hiệu quả hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, Agribank đã giúp những người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp nông thôn, ổn định sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.
Chị em được tập huấn nghề, kỹ năng quản lý kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm của các nữ chủ doanh nghiệp thành đạt, thành lập các tổ hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị, liên kết sản xuất kinh doanh với tiêu thụ sản phẩm…; tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, làm giàu cho gia đình và cho xã hội, rút ngắn dần khoảng cách về bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Hiện nay, theo thống kê, nữ giới chiếm trên 47% lực lượng lao động cả nước. Còn theo số liệu thống kê từ báo cáo của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, hiện số lượng doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, từ 4% vào năm 2009 đã lên tới 21% vào năm 2011 và đến nay đạt tỷ lệ 25%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Không chỉ tăng lên về số lượng, nhiều doanh nhân nữ hiện nay đã đạt được những thành tựu lớn, được vinh danh nhiều danh hiệu cao quý và các giải thưởng quốc tế, như Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Top 50 doanh nhân quyền lực nhất châu Á nhiều năm liên tiếp, Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu, Nữ doanh nhân quyền lực tại Diễn đàn Tri thức thế giới, Top 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp khu vực…
Đây là những minh chứng sống động cho thấy vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định và trở thành lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Agribank với sứ mệnh gắn với “Tam nông” đã và đang không ngừng nỗ lực đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Anh Minh