Song, với sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự điều hành quyết liệt, tập trung của các cấp chính quyền, sự đồng thuận cố gắng cao của nhân dân, các doanh nghiệp trong huyện nên các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đạt được kết quả khá tích cực. Nhờ đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
 
6 tháng đầu năm 2022, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Ân Thi đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội dần phục hồi trở lại. Song các khó khăn, thách thức vẫn còn như giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhờ sự lãnh đạo, điều hành tập trung của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện có những chuyển biến tích cực.
Hình ảnh: Ân Thi (Hưng Yên): Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh, thu hút đầu tư số 1
Nông thôn mới tại huyện Ân Thi
Sản xuất nông nghiệp đảm bảo các chi tiêu; Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm; Công tác quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường. Giao thông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển khá.
 
Các hoạt động văn hoá, xã hội có nhiều khởi sắc; An sinh xã hội được đảm bảo; Quốc phòng - an ninh trên địa bàn tiếp tục được củng cố; Công tác xây dựng chính quyền và cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo...
 
Về lĩnh vực Nông nghiệp mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Ân Thi đã có bước tiến bộ và phát triển toàn diện theo hướng phát triển nông sản hàng hoá, tăng tỷ trọng thực phẩm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lúa vụ xuân trên địa bàn huyện gieo cấy được 7.297,08 ha/6.950 ha, đạt 105% kế hoạch. Diện tích lúa chất lượng cao đạt 5.873,7 ha/7.297,08 ha, chiếm 80% diện tích, lúa năng suất cao chiếm 20% diện tích. Năng suất ước đạt 68,97 tạ/ha, tăng 0,03% so với vụ xuân năm 2021, giảm 0,04% so kế hoạch. Sản lượng ước đạt 50.328 tấn.
 
Diện tích cây ăn quả ước đạt khoảng 1.184,39 ha, trong đó diện tích một số cây ăn quả chủ lực của huyện như: Cây nhãn có diện tích khoảng 483,8 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 440,2 ha, sản lượng ước đạt khoảng 4.896,03 tấn, cao hơn khoảng 10% năm 2021; Cây vải có diện tích khoảng 61,3 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 51,8 ha, sản lượng ước đạt 690,1tấn, cao hơn 20%, năm 2021; Cây có múi có diện tích khoảng 295,35 ha, sản lượng ước đạt 4.820 tấn, cao hơn năm 2021 khoảng 5-10%; Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung Đề án số 05-ĐA/HU ngày 09/5/2021 của Huyện ủy Ân Thi về việc “Phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung, áp dụng quy trình VietGap giai đoạn 2021 - 2025”; Tập trung mở rộng các vùng trồng cây ăn quả, áp dụng quy trình VietGap trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
 
Về chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm. Hiện nay, toàn huyện có tổng đàn lợn ước khoảng 55.402 con, tăng 31,9 % so với kế hoạch, tăng 5,89% so với cùng kỳ; Đàn gia cầm ước trên 1.485 nghìn con, tăng 16,93 % so với kế hoạch, tăng 1,16% so với cùng kỳ; Đàn trâu, bò giữ ổn định đạt 2.824 con.
 
Sản xuất thủy sản tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 790 ha, chủ yếu hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh. Sản phẩm nuôi trồng phần lớn vẫn là những giống cá trắm, chép, trôi... cho năng suất cao, có giá trị thị trường.

Công tác xây dựng nông thôn mới được chính quyền huyện tập trung chỉ đạo ngay từ đầu năm. Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các phòng, ngành liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục, rà soát, đánh giá các tiêu chí đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu cho 06 xã (Vân Du, Cẩm Ninh, Hồng Quang, Phù Ủng, Tân Phúc, Quảng Lãng) và 06 thôn (Mão Xuyên, xã Nguyễn Trãi; Ân Thi 1, xã Hồng Quang; Đới Khê, xã Đặng Lễ; Trắc Điền, xã Đa Lộc; Lưu Xá, xã Quảng Lãng; Xuân Nguyên, xã Xuân Trúc) để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư mới kiểu mẫu năm 2022.
Phát huy những kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm 2022 các cấp, các ngành cần tăng cường hoạt động phối hợp, tham mưu, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra.
 
 
Những kết quả kinh tế- xã hội đạt được trong những tháng đầu năm và trong những năm qua sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những tháng cuối năm và các năm tiếp theo. Ân Thi tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ thương mại; Tăng cường quản lý đất đai, môi trường, tăng thu ngân sách; Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo; Tiếp tục cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Hình ảnh: Ân Thi (Hưng Yên): Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh, thu hút đầu tư số 2
Ngày 14/11/2020, huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: LH.
Là địa phương không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, song với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ân Thi đã đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo sức bật trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Huyện Ân Thi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đây là sự cổ vũ, động viên to lớn, ghi nhận sự nỗ lực, chung sức đồng lòng và quyết tâm phấn đấu cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ân Thi; Đồng thời là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện. Trong thời gian tới, huyện Ân Thi sẽ không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về sản xuất, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường; tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; Tiếp tục coi trọng và ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, hiệu quả cao; Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, dân chủ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Nâng cao trình độ dân trí và đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công tác an sinh xã hội; Giữ môi trường sinh thái trong sạch; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 
Ân Thi đang phấn đấu là 1 trong những huyện mạnh nhất trong tỉnh, có tốc độ phát triển kinh tế đồng đều hơn giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; Huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đô thị, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông và các công trình trọng điểm, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, mở rộng thêm các khu công nghiệp hiện có để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm và thu ngân sách địa phương.
 
Mặc dù còn đó nhiều khó khăn nhưng với sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao, nêu cao ý chí tự lực, tự cường và tinh thần vượt khó vươn lên của chính quyền và nhân dân, huyện Ân Thi chắc chắn sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XXVI đề ra, xây dựng quê hương Ân Thi anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Huyện Ân Thi có nhiều tiềm năng, điều kiện để bứt phá mạnh mẽ với vị trí địa lý thuận lợi; Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi tương đối đồng bộ và nguồn lực dồi dào từ diện tích đất công nghiệp, nông nghiệp và đô thị rộng lớn đã được phê duyệt quy hoạch; Các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng của tỉnh Hưng Yên và các vùng lân cận… sẽ là lợi thế, thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến đầu tư, đưa Ân Thi trở thành huyện phát triển nhanh, bền vững...
Đào Hiệp
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/xa-hoi-so/an-thi-hung-yen-tap-trung-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-manh-thu-hut-dau-tu/20220830105336483