Các đại biểu chia sẻ về các giải pháp để Bắc Ninh thu hút đầu tư |
Trong thời gian qua, Bắc Ninh luôn duy trì vị trí nằm trong top 10 địa phương về thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ Samsung mà các tập đoàn lớn trên thế giới như Canon, Foxconn… đều lựa chọn Bắc Ninh để đầu tư.
Bắc Ninh đặt ra tiêu chí phát triển là “hai ít” là ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất. “Ba cao” là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao. Đồng thời, thực hiện "năm sẵn sàng" gồm sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch.
Bắc Ninh còn đưa ra cơ chế chính sách nhằm giữ chân và tạo niềm tin với nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thứ nhất, hàng năm Bắc Ninh đều có chương trình, kế hoạch yêu cầu các sở, ngành nâng cao cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đề án quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt tăng kỷ luật kỷ cương đối với cơ chế hỗ trợ DN.
Thứ hai, đẩy mạnh tiến độ xây dựng công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng khu công nghiệp tạo mặt bằng cho nhà đầu tư.
Thứ ba, tích cực sáng tạo linh hoạt trong xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, thu hút dự án lớn có tính chất lan toả, phù hợp với tình hình COVID-19 hiện nay.
"Xác định hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh là mục tiêu hàng đầu, tỉnh chủ trương giao Ban quản lý các khu công nghiệp chủ trì phối hợp hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện phòng chống COVID-19. Hướng dẫn DN tìm giải pháp phòng chống COVID-19, trong đó có các biện pháp về y tế, xét nghiệm, kiểm tra đối với DN", ông Nguyễn Quang Thành cho hay.
Để tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, ông Nguyễn Quang Thành cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển đồng bộ, tạo sự kết nối giữa các thành phần kinh tế, giữa các loại hình sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế…
Đánh giá thêm về Bắc Ninh, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, tiêu chí "hai ít, ba cao, năm sẵn sàng" của Bắc Ninh là tiêu chí hết sức đúng đắn, phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, Bắc Ninh nên bổ sung "một không" nữa là không ô nhiễm môi trường. Trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 thì tiêu chí bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu.
Chiến lược hợp tác thu hút bền vững dài hạn
TS Phan Hữu Thắng cho rằng, có 3 yếu tố quyết định tới việc thu hút dòng vốn FDI của địa phương.
Thứ nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tiêu chí bảo vệ môi trường được đặt lên hàng đầu. Nghiên cứu thời gian qua cho thấy vấn đề môi trường vẫn nhức nhối. Năm 2020, riêng Bắc Ninh phát hiện 550 vụ vi phạm gây môi trường. Tuy nhiên, không phải riêng Bắc Ninh chưa tốt mà thực trạng này là của nhiều địa phương.
Thứ hai là chuyển giao công nghệ tiên tiến. Chẳng hạn như Bắc Ninh đạt "3 cao" - suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao, nhưng phải đặt ra vấn đề là tiếp nhận được gì từ "3 cao" đó?
"Nên định hướng công nghiệp hóa rõ ràng, phải làm sao nâng cao năng lực công nghệ DN nội địa của Bắc Ninh chứ không phải công nghệ cao cứ nằm mãi ở DN FDI không chuyển giao được”, TS Phan Hữu Thắng phân tích.
Thứ ba là chất lượng nguồn nhân lực. Nhân lực của chúng ta hiện nay rất yếu. Ông Thắng dẫn số liệu thống kê, hiện có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc trực tiếp trong khu vực FDI, trong đó 980.000 là chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, điều tra cho thấy, 80% trong số đó chưa có chứng chỉ bằng cấp về đào tạo. Các DN FDI khi được hỏi có đến 60% cho rằng rất khó tìm nguồn lao động chất lượng cao. Ngay cả DN Việt Nam, theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 50% DN cũng cho rằng khó tìm nhân lực chất lượng cao, đây là điểm yếu của chung cả nước không riêng Bắc Ninh. Thực tế, đã có trường hợp DN lớn phải điều chỉnh việc đầu tư vì thiếu nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Mục tiêu tối cao của các nhà đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận và tận dụng tất cả những gì thuận lợi để mang lại lợi ích lớn nhất cho họ. Do đó, nếu muốn tận dụng cơ hội từ các FDI, các DN địa phương cần nâng cao năng lực để có thể kết nối với các chuỗi giá trị FDI”.
"Ngoài ra, với Bắc Ninh, một tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tôi thấy cần phải nhìn nhận vấn đề khác đi, phải đặt an sinh xã hội, đời sống, môi trường, phát triển đô thị lên hàng đầu", ông Nguyễn Văn Vịnh góp ý.
Nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trong bối cảnh hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh cần nỗ lực thực hiện các nhóm giải pháp để nông nghiệp thực sự trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế, trên cơ sở đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ông Nguyễn Hồng Quang cho rằng, tỉnh Bắc Ninh cần tập trung giải pháp đào tạo cho bà con nông dân theo hướng “trí thức hóa nông dân”, gắn với nhu cầu của thị trường và DN, rút bớt lao động ra khỏi khu vực nông thôn và giữ lại đội ngũ “nông dân chuyên nghiệp”.
Anh Minh