Người lao động quay trở lại làm việc. Ảnh: VGP/Thiện Tâm |
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã phải tạm dừng hoạt động, sản xuất cầm chừng, dẫn đến hơn 80.000 người lao động bị mất việc hoặc thiếu việc làm, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của công nhân lao động.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô kịp thời triển khai các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động, đoàn viên công đoàn thông qua các chương trình: “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Túi an sinh Công đoàn”. Các cấp công đoàn Thành phố cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Lê Đình Hùng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND Thành phố, cùng sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội đã từng bước được kiểm soát. Các biện pháp phòng, chống dịch đang dần được nới lỏng; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được khôi phục, hướng tới trạng thái bình thường mới.
Ông Lê Đình Hùng cho biết, trong hai tuần qua, Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội không phát sinh ca mắc COVID-19 mới. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 LĐLĐ Thành phố chỉ đạo 5 Tổ công tác phối hợp với các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đặc biệt là công đoàn Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội rà soát, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, đời sống, thu nhập, việc làm của người lao động sau giãn cách xã hội để kịp thời điều chỉnh các biện pháp chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo thống kê, rà soát của các cấp công đoàn trong tuần từ 21 đến 30/9, đã có 105 doanh nghiệp hoạt động trở lại, với 4.037 công nhân lao động, trong đó có 467 công nhân lao động bị mất việc và 3.570 công nhân lao động bị thiếu việc đã có việc làm trở lại.
Chia sẻ, đồng hành cùng vượt qua khó khăn, khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh
Theo LĐLĐ Hà Nội, để hỗ trợ, giúp đỡ người lao động quay trở lại sản xuất, thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, nhiều công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án khôi phục sản xuất, sắp xếp lại lao động; hướng dẫn, hỗ trợ người lao động giao kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật. Tham gia, phối hợp cùng doanh nghiệp đảm bảo điều kiện làm việc và các chế độ chính sách đối với người lao động.
Do vậy, đến nay tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố vẫn ổn định, không có hiện tượng đình công, ngừng việc xảy ra. Phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động bị ngừng việc, mất việc làm. Người lao động cũng nhận thức, chia sẻ, đồng hành cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Zhang Limin, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Việt Nam LUMINA (có trụ sở tại huyện Mỹ Đức) cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo đời sống, việc làm, chế độ cho người lao động và đặc biệt là đảm bảo công tác phòng, chống dịch, sản xuất an toàn.
Ông Phùng Mạnh Tuyên, Giám đốc điều hành Công ty Giầy Hồng Phúc cho biết, khi Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, công ty đã cho 100% công nhân (240 người) nghỉ làm. Để hỗ trợ công nhân, duy trì quan hệ lao động cũng như thu hút lao động trở lại sau khi kiểm soát được dịch, công ty hỗ trợ 50% lương cho công nhân. Đến nay, toàn bộ công nhân của công ty đã đi làm trở lại. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng công ty vẫn duy trì được sản xuất do trước đó đã có đơn hàng đặt trước và thị trường xuất khẩu (chủ yếu là thị trường các nước Arab, châu Âu…) ổn định. Việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu cũng không gặp quá nhiều trở ngại vì được xuất bằng đường thủy.
Anh N.V.H, công nhân Công ty Giầy Hồng Phúc chia sẻ: “Trong thời gian 8 tuần nghỉ việc do giãn cách xã hội, công ty chỉ có thể hỗ trợ cho công nhân 50% tiền lương do khó khăn chung. Nhưng tôi vẫn cảm thấy đây là điều may mắn vì vẫn có tiền sinh hoạt, không bị mất việc làm. Khi Thành phố nới lỏng giãn cách, mọi người trong công ty rất phấn khởi khi được trở lại sản xuất và có mức lương ổn định”.
Bà Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MD Queen (sản xuất trà xạ đen đã được chứng nhận sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội) cho biết, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty gặp rất nhiều khó khăn do người dân hạn chế chi tiêu, chủ yếu ưu tiên mua các hàng thiết yếu. Để thích ứng với tình trạng dịch bệnh, công ty đã thực hiện chuyển đổi sang bán hàng online, nhưng đây cũng không phải vấn đề đơn giản, “nói làm là làm được” vì có nhiều vướng mắc do đại lý của công ty có rất nhiều người lớn tuổi chưa biết dùng Internet…
Theo bà Trịnh Kim Thư, sau nới lỏng giãn cách xã hội, các cửa hàng đã quay trở lại hoạt động nhưng lượng khách hàng đến cửa hàng giao dịch bị hạn chế rất nhiều (do tuân thủ 5K và hạn chế đi ra đường). Xác định “sống chung với dịch” nên ngoài việc truyền thông, công ty còn hỗ trợ đào tạo kỹ năng bán hàng và phát triển bản thân, giúp các đại lý tự tin, gắn bó với công việc hơn.
Tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn các nguy cơ có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu không được các cấp, các ngành, cùng toàn thể nhân dân Thành phố đồng sức, đồng lòng thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Do vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố bên cạnh việc khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động, vẫn phải làm tốt công tác phòng chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Thiện Tâm