Trân trọng sự lắng nghe của Chính phủ

Ông Lê Hoàng Châu. Ảnh: VGP

Nhìn nhận rằng báo cáo của Chính phủ là toàn diện, thể hiện được những thành tựu, nỗ lực của Chính phủ trong thời gian vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và Hiệp hội Bất động sản TPHCM nói riêng đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Việc quyết liệt thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ thể hiện ngay từ cuối tháng 2/2020, đặc biệt đầu tháng 3/2020, rất rõ nét. Đó là việc ban hành một loạt nghị quyết, chỉ thị, nghị định nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Sự ra đời của Nghị định “thần tốc” – Nghị định số 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, có hiệu lực ngay từ ngày ký hay các gói hỗ trợ 300.000 tỷ, 70.000 tỷ để bảo đảm an sinh xã hội. Trong lĩnh vực bất động sản có gói 3.000 tỷ hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

Các chính sách tổng thể nhưng cùng hướng về mục tiêu chống dịch đã giúp chúng ta kiểm soát dịch hiệu quả. Không những vậy, Việt Nam còn hỗ trợ các nước khác trong cuộc chiến chống đại dịch, sự hỗ trợ không lớn nhưng nhận được sự khâm phục, trân trọng của bạn bè quốc tế.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới và là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á đạt tăng trưởng dương (mức tăng trưởng GDP hơn 2%) trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam là 6%.

 “Thành quả đáng trân trọng này là nhờ những chỉ đạo tích cực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Theo ông Châu, bất động sản cũng là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19, nhất là các phân khúc: Bất động sản cho thuê (nhà phố, văn phòng…); môi giới bất động sản (khoảng 800 sàn giao dịch bất động sản phải dừng hoạt động, thậm chí đóng cửa do yêu cầu giãn cách); bất động sản du lịch, trọng tâm là các condotel; thị trường bất động sản thứ cấp (mua cho thuê) do ứ đọng dòng tiền.

Theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, bất động sản được đưa vào diện chịu ảnh hưởng của đại dịch, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo các ngân hàng xem xét không đổi nhóm nợ, cơ cấu nhóm nợ, giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp bất động sản và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận khoản vay mới, bởi hầu hết các dự án bất động sản thế chấp đều khả thi nên nếu được hỗ trợ về tín dụng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi. Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng có đánh giá tích cực rằng thị trường bất động sản có khả năng tự phục hồi cùng với sự kiểm soát dịch.

“Đáng mừng là đến nay nhiều kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã được Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, điển hình là việc tiếp thu ý kiến góp ý cho các luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng mới… Lần đầu tiên các văn bản luật đã thể hiện được tính thống nhất, tính liên thông, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động”, ông Châu chia sẻ.

DN tăng niềm tin với Chính phủ trong xử lý tình huống cấp bách


Tiến sĩ Tô Hoài Nam. Ảnh: VGP

Cùng quan điểm đánh giá cao bản lĩnh của Chính phủ trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chia sẻ: “Từ góc nhìn cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi khẳng định việc xử lý tình huống cấp bách của Chính phủ trong thời gian qua đã khiến cộng đồng doanh nghiệp tăng niềm tin với Chính phủ bởi các doanh nghiệp thấy có điểm tựa trong thể chế và trong cải cách các thủ tục hành chính”.

Cho rằng, tại thời điểm đối mặt với dịch COVID-19, Chính phủ vạch ra mục tiêu đối lập nhau: Vừa quyết liệt phòng chống dịch; vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhưng TS. Tô Hoài Nam khẳng định “Chính phủ đã xử lý mối quan hệ này một cách hài hòa và đã thành công”.

Một trong những yếu tố góp phần vào thành công ấy chính là việc Chính phủ đi đầu trong thực hiện các hoạt động, hội nghị, hội thảo online; chỉ đạo các ngành mạnh mẽ áp dụng hình thức điện tử trong kinh doanh. Điều này đã khiến giảm bớt tính xung đột, hạn chế bất cập trong việc thực hiện “mục tiêu kép”. Với sự khởi xướng này của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng vận dụng và khoác “chiếc áo công nghệ” làm tăng tính lan tỏa, khiến cho các doanh nghiệp có thể “lội ngược dòng” vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, Chính phủ quyết liệt sử dụng nhiều công cụ thông tin truyền thông để công khai, minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính, công tâm trong xử lý các vấn đề cũng như tăng trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong các đề xuất.

Ngoài ra, việc Chính phủ thực hiện kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách tài khóa, chính sách hỗ trợ trực tiếp, về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp.

Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ra một số nước còn giao thương cho nên vẫn đạt được yêu cầu nhất định trong xuất khẩu.

Từ những nỗ lực thiết thực đó của Chính phủ đã khiến cộng đồng doanh nghiệp thay đổi tư duy hoạt động trong kinh doanh để thích ứng với những khó khăn đang diễn ra.

Ví như doanh nghiệp lớn và vừa thay đổi đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa dịch vụ mới, không phụ thuộc vào một quốc gia hoặc thực hiện hình thức “kinh tế chia sẻ” với đối tác kinh doanh hay các nhà đầu tư và cả người tiêu dùng; chuyển đổi từ xúc tiến thương mại theo lối truyền thống, trực tiếp sang xúc tiến thương mại trực tuyến.

Các doanh nghiệp nhỏ rà soát lại các kế hoạch chi tiêu theo hướng “tối giản” và cắt giảm, điều chỉnh lại những chương trình đầu tư chưa cấp thiết hoặc không còn phù hợp; chuyển đổi và củng cố nền tảng thương mại điện tử...

Khẳng định rằng, trong nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa “chiến đấu” với đại dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp bất kể quy mô lớn hay nhỏ, bất kể thành phần sở hữu, đã luôn sát cánh cùng Chính phủ, TS. Tô Hoài Nam cho rằng “bên cạnh sự nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới vẫn cần sự đồng hành sát sao hơn nữa của cơ quan quản lý Nhà nước, đa dạng hóa các chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp nhất là ở góc độ tài chính như chính sách thuế, hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ phí, nới lỏng các điều kiện tín dụng... nhằm giúp doanh nghiệp sớm ổn định”.

Đối với các ngành kinh tế bị “tổn thương” nặng nề như giao thông vận tải, dịch vụ du lịch, cần nhanh chóng hỗ trợ ngay, tránh cho các doanh nghiệp này phải phá sản và giải thể.

Hùng-An-Hồng-Trang

>> Bài 3: Niềm tin và những kỳ vọng

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Bai-2-Phong-chong-dich-COVID19-Thach-thuc-khang-dinh-ban-linh-cua-Chinh-phu/411893.vgp