Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh:VGP
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi có được, nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm đạt được những kết quả tích cực; các giải pháp ngăn chặn, phòng chống dịch được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%.

Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động tham mưu thành lập các Ban chỉ đạo, Tổ biên tập; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai khai xây dựng nhiều đề án, trong đó có các đề án lớn như: Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 4); Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5)…

Các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị được Ban Kinh tế Trung ương tập trung triển khai quyết liệt với nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động triển khai nghiên cứu để tổ chức thẩm định, tham gia ý kiến đối với 63 nội dung, báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng theo yêu cầu của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan. Các ý kiến thẩm định, tham gia của Ban Kinh tế Trung ương nhìn chung có chất lượng.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị trong 6 tháng cuối năm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó bảo đảm chất lượng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị năm 2021, đặc biệt là Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Tăng cường hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Ban những vấn đề mới, những vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác chính trị, tư tưởng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khoá XII về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

“Các vụ, đơn vị của Ban phải tăng cường phối hợp, kịp thời tham mưu Đảng, Nhà nước có những cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận đã được ban hành”, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đề nghị.

Anh Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Ban-Kinh-te-Trung-uong-no-luc-tham-muu-de-trien-khai-cac-de-an-co-chat-luong/438374.vgp