Theo đó, tính riêng trong tháng 5/2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ cho 656 lượt khách hàng vay với dư nợ 5 tỷ đồng, thông qua các hình thức cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất; cho vay mới 813 lượt khách hàng để phục hồi sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 2.646 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 tỷ đồng tiền lãi và gần 3,7 tỷ đồng tiền phí dịch vụ đã được miễn/giảm cho khách hàng.
Lũy kế đến nay, ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho 95.400 lượt khách hàng với dư nợ là 31.800 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ 1.299 lượt doanh nghiệp với tổng dư nợ 9.700 tỷ đồng; cho vay mới 24.228 lượt khách hàng để phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 38.100 tỷ đồng; giảm 125,7 tỷ đồng tiền lãi, trong đó tiền lãi đã giảm cho doanh nghiệp là 28 tỷ đồng; miễn, giảm 57,1 tỷ đồng tiền phí dịch vụ.
Vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục tập trung cho các nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Doanh số cho vay chỉ tính riêng trong tháng 5/2022 đã đạt 7.500 tỷ đồng, chiếm 62% tổng cho vay trên địa bàn. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 5/2022 đạt 24.300 tỷ đồng; dư nợ đạt 37.100 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm, chiếm 72% tổng dư nợ cho vay. Qua đó, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang phục hồi nhanh.
Hiện ngành ngân hàng tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/NĐ-CP. Bên cạnh đó, ngân hàng còn tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Trong đó, tập trung phân loại các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đánh giá khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng để đảm bảo việc hỗ trợ phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch.
Vũ Phong