Song song, đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành một trong những tỉnh phát triển của khu vực miền Trung; trở thành trung tâm trung chuyển và dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải, dịch vụ xuất - nhập khẩu và công nghiệp chế tạo, chế biến của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch miền Trung với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Khu đô thị mới Nhơn Hội được quy hoạch khá hiện đại (Ảnh: Báo Bình Định) |
Phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững
Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các Khu công nghiệp theo quy hoạch, nhất là dự án Khu Công nghiệp Becamex Bình Định. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Xây dựng hoàn thiện và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển ngành công nghiệp gắn với xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin...
Tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đã ban hành; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng một số chính sách mới phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh hoạt động khuyến công, tập trung hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị vào sản xuất; chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm từ trồng trọt đến chăn nuôi. Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển các vùng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao, an toàn. Xây dựng, nhân rộng mô hìnhcánh đồng lớn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh triển khai chương trình cơ giới hóa, từng bước triển khai tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất. Huy động các nguồn vốn đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với thu hút đầu tư các nhà máy chế biến súc sản, gia cầm. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi; chú trọng thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng phát triển khai thác xa bờ; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao Mỹ Thành gắn với Khu nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng rừng trồng.Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, góp phần thay đổi nhanh diện mạo ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tích cực phát triển sản xuất công nghiệp bền vững hiệu quả (Ảnh: Báo Bình Định) |
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ, đẩy mạnh hoàn thiện các khu vực đô thị ven biển để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cụ thể, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Phát huy lợi thế về cảnh quan, môi trường, văn hóa, di tích, lịch sử và con người Bình Định để phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định. Tăng cường kêu gọi và khuyến khích đầu tư các cơ sở dịch vụ theo phong cách Nhật Bản, Hàn Quốc...; các trung tâm mua sắm hàng hóa, vui chơi giải trí, thẩm mỹ... đạt chuẩn phục vụ khách quốc tế tại thành phố Quy Nhơn và dọc tuyến đường ra Sân bay Phù Cát; chú trọng hoàn thiện hạ tầng du lịch tại các tuyến du lịch trọng điểm như: Quy Nhơn - Sông Cầu, Phương Mai - Núi Bà, Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn - Vĩnh Thạnh, du lịch làng nghề và các điểm du lịch tại các huyện, thị xã trong tỉnh; đồng thời, tăng cường đôn đốc, tạo điều kiện nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm, các cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch.
Ưu tiên công tác chỉnh trang, phát triển thành phố Quy Nhơn thành một đô thị biển khác biệt, gần gũi với thiên nhiên; đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí về đêm cho thành phố Quy Nhơn; hình thành các khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp vui chơi, giải trí.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đổi mới, đón đầu công nghệ và liên doanh, liên kết, mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh. Nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình dịch vụ: tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính viễn thông, tư vấn, bảo hiểm… Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ vận tải có lợi thế của tỉnh như cảng biển, hàng không, đường sắt; tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp các cảng biển, trung tâm dịch vụ logictics, dịch vụ kho bãi…
Thực tế hiện nay, thành phố biển Quy Nhơn hiện nay được công nhận là thành số du lịch sạch ASEAN 2020, đây là tiền đề để tiếp tục pháp huy về du lịch biển của địa phương. Hơn nữa, hiện quỹ đất dọc biển Nhơn Hội về cơ bản là đất sạch (không cần thực hiện nhiều công tác bồi thường, GPMB) nên thuận tiện cho công tác thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị theo hướng phát triển du lịch biển cộng với việc Khu đô thị Nhơn Hội cũng đã được quy hoạch lại theo hướng phát triển đô thị du lịch và đã lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện một số phân khu chức năng theo quy hoạch mới.
Cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường... Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình, tạo điều kiện các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ; đồng thời, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung hoàn thiện hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, chú trọng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Coi trọng xã hội hóa đầu tư để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng dịch vụ du lịch. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; giải quyết tốt vấn đề sinh kế cho người dân tại các khu tái định cư.
Phấn đấu hoàn thành một số dự án quan trọng mang tính chiến lược của tỉnh trong giai đoạn tới như như: Xây dựng mới cầu Thị Nại 2; Đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển qua địa phận tỉnh; tuyến đường từ QL19C kết nối Cảng Quy Nhơn; Nâng cấp các Quốc lộ 19B, 19C... Nâng cấp mở rộng các tuyến đường Quốc lộ trên địa bàn tỉnh, nâng cấp mở rộng cụm cảng Quy Nhơn. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quảng Ngãi – Bình Định và cao tốc Quy Nhơn – Pleiku. Tiếp tục thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn từng bước hiện đại, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đi lại của địa phương.
Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đê kè, tiêu thoát lũ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Bảo đảm an toàn hồ chứa; xây mới, sửa chữa và nâng cấp các nhà máy cấp nước sinh hoạt nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ chứa nước Đồng Mít; đập dâng Phú Phong; đập dâng suối Ba Cây (Vân Canh); dự án Hệ thống tưới, tiêu Tà Loan (An Lão); đập dâng Lão Tâm (Phù Cát); Khu tái định cư Nhơn Phước mở rộng về phía Bắc; sửa chữa, nâng cấp Khu tái định cư Cát Tiến.
Xây dựng và nâng cấp mở rộng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Hà ra, huyện Phù Mỹ; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đầm Đề Gi, huyện Phù Cát bảo đảm cho tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão và cập bến; đầu tư nâng cấp, sửa chữa Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản; sửa chữa nâng cấp Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản và nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung.
Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng một số dự án cấp điện phục vụ cho các địa bàn còn thiếu điện lưới quốc gia, đảm bảo 100% hộ dân có điện sử dụng ổn định; đồng thời triển khai đầu tư hệ thống điện lưới theo quy hoạch nhằm đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất, đặc biệt phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội, các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa tỉnh.
Xây dựng và phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Xây dựng, phát triển “Khu đô thị Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao hướng đến xây dựng nền kinh tế số tăng trưởng bền vững với năng suất lao động cao, nhằm thay đổi vị thế của Bình Định tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; xây dựng mới Khu đô thị Hồ Phú Hòa nhằm phát triển đô thị Quy Nhơn về phía Tây, phát triển các khu dân cư mới thuộc khu vực phường Nhơn Bình, Nhơn Phú trên cơ sở tuyến đường QL19 mới hoàn thành và tuyến đường từ QL19C kết nối Cảng Quy Nhơn nhằm phát triển đô thị Quy Nhơn theo hướng xanh, bền vững và lấy đầm Thị Nại làm trung tâm.
Cuối cùng là đảm bảo phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển của tỉnh đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính.