Ngày 1/8, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm 2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà chủ trì buổi họp báo.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 5,97%). Trong đó: công nghiệp – xây dựng tăng 2,94%; dịch vụ tăng 5,9%; nông nghiệp và thuỷ sản tăng 3,28%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,62%.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Chỉ số công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 8,35%); trong đó: công nghiệp khai khoáng giảm 2,2%; công nghiệp chế biến tăng 2,8%; sản xuất phân phối điện, khí đốt giảm 4,5%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,2%.
Xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Bình Dương vẫn đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực văn hoá – xã hội, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Về đầu tư công, tính đến ngày 30.6.2023, giá trị giải ngân của tỉnh Bình Dương đạt 5.286 tỷ đồng, đạt 24,3% kế hoạch HĐND tỉnh giao (cùng kỳ đạt 30,4% kế hoạch) và đạt 43,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các cấp, các ngành nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, chủ động, phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tập trung hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, để gỡ khó kịp thời cho các doanh nghiệp trên địa bàn, địa phương sẽ nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng góp phần tiêu thụ hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu; Tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đẩy nhanh tiến độ mở rộng các Khu công nghiệp và đầu tư mới các Cụm công nghiệp theo quy hoạch; hoàn thiện chính sách di dời doanh nghiệp từ các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía Bắc.
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phấn đấu giải ngân đạt kế hoạch. Khẩn trương thông báo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho các chủ đầu tư sớm có phương án chuẩn bị đầu tư.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ tình hình lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm.
V.Lê
Nguồn: dangcongsan.vn