Tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng
Nhiều ưu đãi, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí
Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19. Cùng với đó là các vấn đề về địa chính trị, vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao, rủi ro an ninh năng lượng, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng ngành Tài chính vẫn có nhiều điểm sáng về kết quả triển khai nhiệm vụ trong năm vừa qua.
Nổi bật nhất có thể kể đến các chính sách ưu đãi, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2022. Trong năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát, chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2022 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 để kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn đến ngày 15/12/2022 khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, đặc biệt phải kể đến các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đã có "tác dụng kép", vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí, lệ phí được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần đạt được những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua. Bộ Tài chính luôn xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho NSNN, cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
Tạo thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, trong năm qua Bộ Tài chính còn tích cực triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tạo thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí. Theo Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 được công bố hồi tháng 5/2022, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 2 trên tổng số 17 bộ, cơ quan ngang bộ và đây cũng là năm thứ 8 liên tục Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan như triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 21/4/2022, thực hiện Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới cho nhà cung cấp nước ngoài, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đã vận hành ứng dụng Etax mobile nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế đăng ký tài khoản giao dịch điện tử trực tuyến và nộp thuế điện tử tại nhiều ngân hàng.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tích cực triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đơn giản, thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
KL
Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/bo-tai-chinh-dong-hanh-cung-nguoi-dan-doanh-nghiep-thong-qua-loat-giai-phap-ho-tro-102221227150947345.htm