Mới đây, tại thành phố Pyeongchang, Hàn Quốc, Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (AFCDM+3) đã nhóm họp dưới sự đồng chủ trì của Lào và Hàn Quốc.
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương (NHTW) các nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3). Bộ Tài chính Việt Nam do Thứ trưởng Bùi Văn Khắng làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
Cần duy trì không gian tài khóa, chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế
Tại Hội nghị, các thứ trưởng tài chính, phó thống đốc ngân hàng trung ương và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, AMRO, ADB) đã thảo luận, chia sẻ quan điểm về triển vọng kinh tế thế giới và khu vực, cũng như những rủi ro và thách thức phải đối mặt trong thời gian tới.
Đại diện các tổ chức tài chính quốc tế cùng chung nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian qua có sự phục hồi, lạm phát có xu hướng giảm, tình hình kinh tế cơ bản ổn định. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới có nhiều bất ổn khó lường, đặc biệt là tác động từ những thay đổi trong chính sách của Mỹ và tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
Đại diện AMRO dự báo, tăng trưởng khu vực ASEAN+3 sẽ suy giảm nhẹ, trong đó các nước ASEAN vẫn giữ được đà tăng trưởng, song dự báo nhóm nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được dự báo giảm tốc độ tăng trưởng.
Các tổ chức quốc tế đưa ra khuyến nghị các nước cần duy trì không gian tài khóa để ứng phó với những tác động bất lợi từ bên ngoài, điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát rủi ro lạm phát, ưu tiên ổn định nợ công và tăng cường hợp tác để ổn định kinh tế vĩ mô khu vực.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, trong thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài. Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, với kết quả dự báo đạt 7% trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7%, phấn đấu 8% trong năm 2025.
Tăng cường hợp tác tài chính ASEAN+3
Hội nghị cũng đã thảo luận về tình hình hợp tác tài chính ASEAN+3 trong năm 2024 và phê duyệt các chủ trương, định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Các thứ trưởng và phó thống đốc đánh giá cao kết quả hoạt động của AMRO, đặc biệt là những điều chỉnh quan trọng trong bộ máy tổ chức (bổ sung thêm 01 phó giám đốc, bổ sung chức năng thư ký cho ASEAN+3, xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhân sự cấp cao 2025), qua đó tiếp tục nâng cao năng lực cho tổ chức.
Hội nghị đã phê duyệt Kế hoạch nhân sự - ngân sách của AMRO 2025, Kế hoạch triển khai trung hạn (MTIP) 2025-2027, Chiến lược phát triển số, Kế hoạch tuyển dụng nhân sự cấp cao, nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thiện bộ máy AMRO theo Chiến lược phát triển đến 2030 đã được các bộ trưởng và thống đốc phê duyệt.
Các thứ trưởng và phó thống đốc ghi nhận các kết quả hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận Đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), đặc biệt là việc thể chế hóa công cụ tài chính nhanh (RFF), điều chỉnh cơ chế đóng góp cho CMIM, lãi suất tham chiếu, sử dụng đồng nội tệ, chạy thử CMIM nhằm đảm bảo cơ chế hỗ trợ vận hành hiệu quả trong các hoàn cảnh thực tế.
Hội nghị đã phê duyệt kết quả chạy thử CMIM lần thứ 15, chủ trương thành lập Nhóm công tác nghiên cứu về mô hình đóng góp mới, giao cho các quan chức tiếp tục thảo luận về công cụ tài trợ nhanh (RFF).
Về sáng kiến tài chính ứng phó rủi ro thiên tai (DRF), các thứ trưởng và phó thống đốc cũng ghi nhận các kết quả triển khai sáng kiến với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) nhằm tăng cường khả năng phục hồi của khu vực trước những tổn thất kinh tế và tài chính tiềm tàng khi xảy ra thảm họa trong tương lai;
Ghi nhận nỗ lực của các nhóm công tác trong khuôn khổ sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI) thúc đẩy sự phát triển của các thị trường trái phiếu trong khu vực theo hướng xanh và bền vững, thông qua đề xuất Kazakhstan tham gia Diễn đàn Trái phiếu châu Á (AMBF).
Tại Hội nghị, Bộ Tài chính Trung Quốc thay mặt đồng chủ trì ASEAN+3 năm 2025 đã trình bày về các ưu tiên trong hợp tác tài chính năm sau, bao gồm: tăng cường trao đổi chính sách tài khóa; tiếp tục cập nhật định hướng chiến lược ASEAN+3; nghiên cứu công cụ điều chỉnh chính sách trong trung và dài hạn.
Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương là sự kiện cuối cùng của Tiến trình Hợp tác tài chính ASEAN+3 năm 2024. Trong năm 2025, Malaysia và Trung Quốc sẽ tiếp quản vai trò Đồng chủ trì tiến trình hợp tác, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính trong khu vực ASEAN+3.