Đây là ý kiến của ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) tại hội nghị phổ biến "Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 13/5 tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tạo hiệu ứng lan toả cho nền kinh tế - Ảnh 1.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - Ảnh: VGP/Huy Thắng

Điểm sáng kinh tế vĩ mô, uy tín được cải thiện

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long cho biết Chính phủ đã hợp tác chính thức với cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất và có uy tín trên thế giới là Moody’s, S&P và Fitch. Đề án nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia đến năm 2020 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Trong giai đoạn 2013-2021, hệ số tín nhiệm và triển vọng xếp hạng của Việt Nam có nhiều cải thiện, góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đa dạng hóa nguồn tài chính, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Trong bối cảnh quốc tế, tác động của đại dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ kéo theo khủng hoảng tài chính ở một số nước. Gánh nặng nợ cao do chính phủ các nước ứng phó bằng gói hỗ trợ tài khóa quy mô lớn hơn so với đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008…

Tuy nhiên, điểm đáng khích lệ là ở nước ta, kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu kinh tế bước đầu dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được nâng cao, môi trường đầu tư được cải thiện. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ tụt hậu, mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình; trình độ khoa học, công nghệ, năng suất và sức cạnh tranh còn thấp; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài chưa cao…

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia là kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính - ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là kết quả của các bộ, ngành trong việc giải thích, trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tạo hiệu ứng lan toả cho nền kinh tế - Ảnh 2.

Mục tiêu xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030

Đại diện Bộ Tài chính cho hay cơ quan này đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030, trong đó có mục tiêu phấn đấu tới năm 2030 nâng xếp hạng của Việt Nam lên hạng "Đầu tư".

Việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế. Một mặt góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.

Cần vào cuộc và giải pháp đồng bộ

Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia đã đạt mức tín nhiệm "Đầu tư" cũng như nêu giải pháp nhằm triển khai Đề án hiệu quả, có tính thực tiễn cao, góp phần đạt được các mục tiêu của Đề án.

Cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tạo hiệu ứng lan toả cho nền kinh tế - Ảnh 3.

Trao đổi kinh nghiệm về xếp hạng tín nhiệm - Ảnh: VGP/Huy Thắng

Về vấn đề trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết thị trường TPDN tăng trưởng nhanh (30-40%) đặt ra yêu cầu cần phải phát triển mạnh hơn hoạt động, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm DN. Với thị trường vốn, xếp hạng tín nhiệm DN giúp minh bạch thông tin; cung cấp các phân tích, đánh giá về rủi ro của các chủ thể phát hành công cụ nợ; giảm rủi ro cho nhà đầu tư…

Đối với DN, xếp hạng tín nhiệm giúp nâng cao hình ảnh của DN, xác định mức giá huy động vốn hợp lý trên thị trường, thúc đẩy DN tuân thủ các quy định pháp lý, cải thiện tình hình tài chính. Còn với nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm giúp họ nhận thức tốt hơn về khả năng tài chính và khả năng thanh toán nợ của DN được xếp hạng. Qua đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc rủi ro để định hướng và ra quyết định đầu tư đúng đắn

Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết đơn vị này đang rà soát đánh giá Nghị định 88 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm cải thiện các quy trình giám sát, cũng như chất lượng các công ty cung cấp dịch vụ này.

"Sự phát triển thị trường TPDN, đòi hỏi các quy định bắt buộc về xếp hạng. Do đó, hoạt động xếp hạng tín nhiệm thời gian tới được mở rộng hơn", đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính khẳng định.

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, đại diện VPBank chia sẻ tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng này đạt 15,3%, thuộc mức cao hàng đầu hệ thống. Mức này đang dần tiệm cận với mức trung bình của các ngân hàng khu vực châu Á Thái Bình Dương (15,9% năm 2020, theo The Asian Banker).

Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm của VPBank cũng như các ngân hàng khác của Việt Nam sẽ bị giới hạn tối đa bằng mức xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam. Do đó, lãnh đạo VPBank đánh giá Đề án Cải thiện xếp hạng quốc gia tới năm 2030 là chiến lược rất đúng đắn và cần thiết để nâng uy tín của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế. Qua đó, giúp các DN cũng như ngân hàng Việt nam có thể tiếp cận với nguồn vốn ngoại dồi dào với chi phí hợp lý. Để triển khai Đề án, cần có các biện pháp để đẩy nhanh quá trình nâng hạng, đưa văn hóa xếp hạng tín nhiệm DN vào thị trường tín dụng Việt Nam càng sớm càng tốt thông qua việc tạo điều kiện cho các công ty định hạng tín nhiệm DN phát triển nhanh chóng, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với các TPDN.

Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã nêu một số giải pháp nâng cao xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, thứ nhất là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy tiềm năng tăng trưởng.

Cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tạo hiệu ứng lan toả cho nền kinh tế - Ảnh 4.

Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện xếp hạng tín nhiệm.

Thứ ba là duy trì năng lực cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp, đa dạng hóa và xây dựng năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng công nghệ và sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

TIN LIÊN QUAN
  • Phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư

    Phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư

  • Fitch Ratings duy trì xếp hạng tín nhiệm Việt Nam mức triển vọng 'tích cực'

    Fitch Ratings duy trì xếp hạng tín nhiệm Việt Nam mức triển vọng 'tích cực'

Thứ tư là khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại, củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu .

Thứ năm là nâng cao năng suất và chất lượng nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo, tối ưu hóa lực lượng lao động trẻ.

Cụ thể, Việt Nam cần nâng cao các tiêu chuẩn công bố dữ liệu; cải thiện chất lượng và tính kịp thời của dữ liệu, tăng cường phối hợp và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô; tăng cường minh bạch chính sách tài khóa. Cần cải thiện các chỉ số tài khóa, giảm dần bội chi NSNN, tỉ lệ nợ công, nợ Chính phủ so với GDP

Đồng thời, cần bảo đảm sự đồng bộ giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm

Về lĩnh vực ngân hàng, cần đẩy mạnh tái cấu trúc; giảm rủi ro nợ xấu thông qua các biện pháp tăng cường vốn hóa; cải thiện chất lượng tài sản; đẩy mạnh tiến độ xử lý các tài sản có vấn đề, nợ xấu.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ vào các lĩnh vực rủi ro cao. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước sau cổ phần hóa; tăng cường tính minh bạch, công khai dữ liệu của ngân hàng và DN.

"Thời gian để thực hiện mục tiêu là 8 năm, do đó, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành liên quan thì kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ được cải thiện", ông Trương Hùng Long kỳ vọng.

Huy Thắng


Theo https://baochinhphu.vn/cai-thien-xep-hang-tin-nhiem-quoc-gia-tao-hieu-ung-lan-toa-cho-nen-kinh-te-102220513123509153.htm