Các địa phương chỉ đang tập trung đề xuất bổ sung nguồn mà chưa quan tâm đến truyền tải |
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, hiện có khoảng 50 địa phương gửi đề xuất bổ sung nguồn điện gió và khí vào quy hoạch điện. Đặc biệt, tổng công suất nguồn điện mới được các địa phương đề nghị đầu tư trong giai đoạn tới đã lên tới con số hơn 471.000 MW.
Trong khi đó, dự thảo Quy hoạch Điện VIII được thống nhất tại Hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch điện VIII trong tháng 11 vừa qua đã xác định tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là khoảng 155.000 MW, giảm hơn 28.000 MW so với phương án trình tháng 3/2021. Như vậy, con số đề nghị bổ sung nguồn điện được tổng hợp từ khoảng 50 địa phương đã lên tới hơn 471.000 MW, vượt xa so với nhu cầu và có khả năng cao gấp 3 lần kế hoạch dự kiến.
"Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh đề xuất muốn được đưa vào Quy hoạch điện VIII khoảng 5.000 MW điện gió, trong đó 3.000 MW là điện gió ngoài khơi, 2.000 MW điện gió trên bờ. Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ đầu tư nhà máy điện khí LNG 1.500 MW giai đoạn 2 vào vận hành 2026-2027, đồng bộ với dự án điện khí giai đoạn 1.
Còn Hải Phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch và được chia làm 3 giai đoạn vận hành từ năm 2029 đến năm 2037. Hay như tỉnh Thái Bình cũng đề xuất 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi với tổng công suất 8.700 MW, cùng dự án Trung tâm Điện-Khí LNG Thái Bình, tổng công suất khoảng 4.500 MW vào Quy hoạch điện VIII", ông Dũng cho biết.
Không riêng miền Bắc, tại khu vực miền Nam, nhiều tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận- những địa phương có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo- cũng có những đề xuất bổ sung. Trong đó, Ninh Thuận đã đề nghị bổ sung tổng công suất 42.595 MW nguồn điện mới. Bình Thuận cũng đề nghị bổ sung gần 30.000 MW nguồn điện mới. Trong số này, có 7 dự án điện gió ngoài khơi đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương với quy mô 17.600 MW.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, cần ghi nhận các ý kiến đề xuất của các địa phương, tuy nhiên, việc bổ sung như thế nào trong tổng thể bài toán ngành điện không đơn giản. Do đó, cần tính toán, cân nhắc đến các điệu kiện kỹ thuật, xem xét đến các yếu tố ràng buộc như: Về nhu cầu cụ thể từng khu vực, nguồn cung bảo đảm an ninh năng lượng, khả năng cân đối vùng miền, phụ tải, lưới điện và bài toán giá điện.
Các chuyên gia cho rằng, trước nhu cầu cấp thiết của quá trình chuyển dịch năng lượng theo xu hướng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang có nhu cầu điện rất lớn để phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá, song song với đó là ràng buộc về yêu cầu giảm nhiệt điện than, trung hoà CO2 như cam kết của Chính phủ tại COP26, thì việc tập trung khai thác nguồn năng lượng sạch và dồi dào, đặc biệt là tại các tỉnh có tiềm năng về điện gió là tất yếu.
Tuy nhiên, có thể thấy, hiện hầu hết các địa phương chỉ đang tập trung đề xuất bổ sung nguồn mà chưa quan tâm đến truyền tải. Thực tế, các tỉnh có tiềm năng năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam, trong khi nhu cầu phụ tải ở miền Bắc lại rất lớn. Như vậy, việc phát triển nguồn điện cần thiết phải được xem xét cùng với phương án truyền tải xa.
PT
Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Can-tinh-toan-tong-hoa-nhieu-yeu-to-khi-bo-sung-nguon-dien/455942.vgp