Ngành nông nghiệp nước ta đang thực hiện mạnh mẽ đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, tăng sức cạnh tranh trên thị trường không những trong nước mà còn quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, đặc biệt là phải hình thành được một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
 
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Nghị quyết 19 của Trung ương về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” vừa được ban hành, quan tâm đến giải pháp đầu tiên trong 9 giải pháp là: “Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn”. Theo tôi hiểu, năng lực của mỗi người, trong đó nông dân không là ngoại lệ, bao gồm: kiến thức, kỹ năng; ngoài ra, còn là thái độ đối với cuộc sống, với công việc, với nghề nghiệp.
 
“Người xưa có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để nhắn nhủ rằng: Gắn bó với nghề gì cũng cần phải tinh thông thì mới thành công. Tinh thông là có kỹ thuật, kỹ năng, và cả kỷ luật. Lại có câu: “Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề”, muốn đạt độ chín thì phải am hiểu, am tường, chứ không thể hời hợt, dễ dãi. Nền nông nghiệp đất nước mình có lời nguyền là “manh mún, nhỏ lẽ, tự phát”. Vậy phải chăng, yếu tố “tinh thông” và “độ chín”, độ thuần thục là gợi mở để bước qua lời nguyền đó, để hướng tới một nền nông nghiệp chuyên nghiệp”, Bộ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói.
 
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho hay, hiện nay nông nghiệp Việt Nam còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Nông nghiệp phải đánh đổi nhiều chi phí, môi trường, sức khoẻ và cả hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học để tạo ra được sản lượng. Do đó, khi tiếp cận nền nông nghiệp mới, bà con cần phải suy nghĩ mới. Một khi chuyên nghiệp, việc tổ chức sản xuất của nông dân sẽ trở nên chỉn chu, từ một loại nông sản, nông dân sẽ biết cách bán giá cao, thu lợi nhuận cao hơn.
 
Làm nông theo kinh nghiệm “cha truyền con nối” đã đóng góp nhất định cho sự phát triển ngành nông nghiệp và thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, kinh nghiệm thường chỉ phát huy trong điều kiện không gian hẹp, môi trường quen thuộc, ít điều bất trắc, khó lường, sự thay đổi diễn ra dần dần, không dễ nhận biết. Với cách nghĩ này, không ít người lầm tưởng rằng, làm nghề nông chỉ cần đến kinh nghiệm.
Hình ảnh: Cần xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp số 1
Ảnh minh họa.
Nông dân chuyên nghiệp là người có kiến thức nền tảng về sản xuất, kinh doanh, kinh tế, khoa học công nghệ… hiểu biết nhất định về môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, về giá trị của tài nguyên bản địa, cả yếu tố văn hóa, xã hội địa phương. Nông dân chuyên nghiệp là người không chỉ biết sản xuất đơn thuần, mà còn luôn quan tâm đến các câu hỏi: “Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai?”.
 
Nông dân chuyên nghiệp là người biết kỹ năng kinh doanh nông sản thông qua sự hiểu biết về quy luật thị trường, biết phân biệt giữa giá cả và giá trị, biết cách tham gia, đóng góp vào chuỗi giá trị ngành hàng. Nông dân chuyên nghiệp là người có năng lực làm chủ, biết cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh khoa học, chủ động tham gia các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nông sản.
 
Đội ngũ nông dân cần có môi trường, không gian để có thể hấp thu tri thức. Không có tri thức sẽ không chuyên nghiệp. Trong hàng chục triệu nông dân hiện nay, tỷ lệ được thông qua đào tạo còn rất nhỏ. Ngược lại, đa phần chỉ làm theo thói quen, theo kinh nghiệm, theo cách thức hàng xóm, láng giềng bỏ nhỏ cho nhau.
 
Bên cạnh đó, thực hiện đề án đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2010-2020, cả nước đã đào tạo được 2,84 triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên, chất lượng lao động vẫn còn rất thấp, chưa đạt yêu cầu... Hiện tại Bộ NN-PTNT đã xây dựng “Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đến năm 2030”, trình Chính phủ phê duyệt, với nhiều đổi mới trong lĩnh vực này. 
 
Liên quan tới vấn đề trên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức có hiệu quả các dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ, tạo việc làm cho nông dân; định hướng hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, lấy giá trị, hiệu quả làm mục tiêu phát triển; đồng thời thúc đẩy liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
 
Đồng thời, từ phản hồi của nông dân, các doanh nghiệp, các cán bộ của trung tâm tiếp tục nghiên cứu cải tiến giống, quy trình canh tác phù hợp rồi chuyển giao lại cho nông dân; tổ chức quảng bá sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ người già, phụ nữ, những gia đình văn hóa...Như vậy, nông dân sẽ thực sự thấy được giá trị khi chọn nông thôn làm nơi sinh kế, nông thôn là tương lai.
 
Thực tế hiện nay, mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hoá trong từng quy trình sản xuất đã được bà con nông dân từng bước tiếp cận. Điển hình tại HTX nông nghiệp Tân Hưng ở xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, có 504 thành viên, tham gia liên kết sản xuất trên quy mô 530 ha, chia thành 3 khu sản xuất.
 
Trong quá trình hoạt động, ban lãnh đạo HTX yêu cầu xã viên, mỗi khu phải sản xuất cùng một giống lúa, tất cả đều sử dụng giống xác nhận. Bên cạnh đó, vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm đều được thực hiện bằng phương pháp đấu giá, để nông dân có được mức lợi nhuận tốt nhất.
 
Bên cạnh đó, HTX cũng đưa ra quy trình sản xuất, từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thương hiệu gì, thời gian sử dụng ra sao, đều được ghi chép lại bằng sổ nhật ký điện tử và công bố rộng rãi đến các doanh nghiệp. Trong quá trình thu hoạch, các loại máy cắt, máy gặt đập liên hợp cũng được quy định cụ thể công suất, lực đập, đảm bảo cho doanh nghiệp có lợi nhuận cao. Như vậy sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa xã viên và doanh nghiệp.
 
Ấn tượng nhất trong mô hình hoạt động của HTX nông nghiệp Tân Hưng là sự đồng hành, hỗ trợ từ phía chính quyền xã Giục Tượng. Định kỳ 2 lần/tháng, lãnh đạo xã sẽ cùng họp với HTX, lực lượng đoàn viên thanh niên của xã cũng giúp cho xã viên trong việc ghi chép nhật ký điện tử.
 
Thi Nguyên (t/h)
Nguồn tin: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/can-xay-dung-doi-ngu-nong-dan-chuyen-nghiep-a9601.html